GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học quốc gia Hà Nội:

Cần quyết liệt hơn về vấn đề Biển Đông

ANTĐ - PV: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông có nhận định gì về việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu điện tử kiểu mới?

- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Tôi cho rằng, trong lúc Trung Quốc chưa đưa ra được bất kỳ một lý lẽ thuyết phục nào cái họ nói về chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì hành động cho in hình “đường lưỡi bò” chín đoạn ở Biển Đông lên hộ chiếu điện tử kiểu mới càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hành động này của Trung Quốc có ý đồ vô cùng đen tối. Từ nay, mỗi khi người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, các nước khi cho họ thông quan vô tình đã chấp nhận tấm bản đồ sai lệch kia. Về phía cá nhân, tôi cực lực phản đối hành động này của Trung Quốc và mong rằng các nước trên thế giới hãy cùng lên tiếng. Và xét ở góc độ khác, hành động trên đã khiến Trung Quốc bị cô lập trong khu vực. Điều đó chỉ có hại chứ không hề có lợi cho nước này. 

- Được biết hiện dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng mạnh mẽ, phản đối hành động này của Trung Quốc?

- Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Việt Nam học diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26 đến  28-11, có nhiều phiên thảo luận về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những tham luận phân tích, mổ xẻ nguyên nhân và giải pháp, đồng thời lên tiếng phản đối kịch liệt hành động trên của Trung Quốc. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc Trung Quốc tự ý đặt ra “đường lưỡi bò”, rồi in cả lên hộ chiếu là một sai lầm. Gần đây, tôi cũng có tham dự một cuộc đối thoại với các học giả Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong cuộc đối thoại này, tôi đã đưa ra những chứng cứ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về phía các học giả Trung Quốc, họ không thể đưa ra được tham luận hay chứng cứ cụ thể, mà chỉ tập trung tranh luận về những chứng cứ mà tôi đã đưa ra. Điều đó thể hiện rằng họ đã đuối lý, khi chỉ vin vào cái cớ cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa được nhắc đến trong lịch sử Việt Nam chỉ là những bãi cát nhỏ ở ven bờ chứ không phải hai quần đảo ở ngoài khơi Biển Đông hiện nay. Lập luận này rất vô căn cứ và đã bị các học giả Việt Nam nói riêng và học giả quốc tế nói chung nhiều lần bác bỏ. 

- Theo quan điểm của ông, chúng ta cần làm gì để đối phó với hành động trên của Trung Quốc?

- Tôi cho rằng, Trung Quốc đang làm mọi cách để biến những lý lẽ mơ hồ, thiếu căn cứ kia thành một sự đã rồi trên trường quốc tế. Nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt hơn, rộng rãi hơn trên phạm vi toàn cầu, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự hiểu lầm tai hại của quốc tế. Đó sẽ trở thành một tình thế bất lợi cho chúng ta khi dùng con đường học thuật để đả phá những luận điểm vô căn cứ của Trung Quốc. Như vậy, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ ngày càng gian nan, khó khăn hơn.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Đường lưỡi bò” hài hước và vô nghĩa

Ý kiến của tôi à? Phản đối chứ, phản đối gay gắt là đằng khác. Hành động vô lý, phi khoa học đưa “đường lưỡi bò” vào bản đồ rồi in lên hộ chiếu của nhà đương cục Trung Quốc bị ngay cả người dân Trung Quốc phản đối cơ mà. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, như thế đâu có được, ai cho phép, còn có luật pháp quốc tế, còn dư luận thế giới. Hành động chèn “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của họ khiến tôi thấy rất hài hước và ngẫm ra nó thực vô nghĩa. Mấy ngày nay đọc báo, thấy báo chí và dư luận thế giới phản đối, tôi thấy hài lòng. Phải lên án hành vi này mạnh mẽ hơn nữa. 

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: “Hành động ngang ngược”

Không thể chấp nhận được chuyện này. Đó là hành động ngang ngược và mang tính thăm dò, “nắn gân” các nước láng giềng của Trung Quốc. Vì thế, chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa vạch trần “trò mèo” này. Cách đây không lâu, tôi có làm bài thơ: “Huyết thư từ Biển Đông”, bài thơ thể hiện quan điểm rõ ràng của tôi - một công dân Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ: “Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ/ Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ/ Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá/ Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do!”.

Nhà thơ Lê Anh Hoài: “Người khổng lồ xấu xí”

Việc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều hành vi leo thang, rất không tôn trọng luật pháp quốc tế. Trung Quốc từng nói rất hay trên các diễn đàn về hữu hảo, tôn trọng chủ quyền các nước trong khu vực. Nhưng những hành động của họ, nhất là việc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu lại càng lộ rõ một điều, giữa lời nói và hành động không liên quan với nhau. Về cơ bản, việc này chỉ làm cho hình ảnh Trung Quốc trở thành “Người khổng lồ xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế mà thôi.