Cần quy định rõ việc quản lý chuyển đổi giới tính

ANTĐ - Băn khoăn về vấn đề chuyển đổi giới tính được quy định trong Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết: “Nhà nước đã không công nhận việc chuyển đổi giới tính, thì không nên buộc các cơ quan Quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm làm các thủ tục hành chính cho người đã chuyển giới”. 
Cần quy định rõ việc quản lý chuyển đổi giới tính ảnh 1

- PV: Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận có quy định về chuyển đổi giới tính. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông Trần Ngọc Vinh: Hiện nay, Nhà nước không công nhận về mặt pháp luật với việc chuyển đổi giới tính. Nhưng, thực tế vẫn diễn ra và trong những năm  qua, việc chuyển đổi giới tính rất nhiều. Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) quy định không công nhận việc chuyển đổi giới tính, song Nhà nước lại cho phép những trường hợp đã chuyển đổi giới tính vẫn được quyền đăng ký các thủ tục hành chính và như thế sẽ dẫn đến sự “vênh” nhau trong công tác quản lý. Theo tôi, khi Nhà nước đã không công nhận việc chuyển đổi giới tính, thì không nên buộc các cơ quan Quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm làm các thủ tục hành chính cho người đã chuyển giới. 

- Theo ông, những quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liệu có khả thi trong vấn đề quản lý người chuyển giới?

- Tôi thấy cần phải nghiên cứu kỹ lại những quy định trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) về vấn đề chuyển giới. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, chuyển đổi giới tính có đảm bảo  về mặt đạo đức của người Việt Nam hay không? Và, nếu cho chuyển giới tính, chúng ta bắt buộc phải sửa đổi lại các Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự… Đặt tình huống người chuyển giới vi phạm pháp luật, phải áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, thì Luật phải quy định giam đối tượng chuyển giới vào buồng nào? Do vậy, sẽ có một loạt vấn đề kéo theo việc chuyển giới và chưa tính đến việc nòi giống của chúng ta sẽ ra sao đằng sau vấn đề “nhạy cảm” này. Tôi cho rằng, đây là những vấn đề ban soạn thảo cần tập trung nghiên cứu để đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam. 

 - Theo ông, cần phải làm gì để giải quyết vấn đề chuyển đổi giới tính?

- Tôi cho rằng cần phải có luật để điều chỉnh và không thả nổi. Tuy nhiên, luật pháp phải quy định rõ việc quản lý những người chuyển giới, để đảm bảo tốt cho xã hội và bảo đảm nhân quyền.

Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội: Không nên coi chuyển giới là vấn đề nhạy cảm

Quy định về người chuyển giới trong Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) còn quá chung chung, chưa phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Do pháp luật nước ta từ trước đến nay không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nên nhiều người đã tìm cách ra nước ngoài để làm phẫu thuật chuyển giới. Tuy vậy, điều này khiến những cá nhân đã chuyển giới gặp nhiều khó khăn khi tham gia các quan hệ pháp luật. Trong khi đó, những vấn đề pháp lý liên quan đến việc áp dụng quy định của pháp luật đối với người đã chuyển đổi giới tính (mà chắc chắn sẽ nảy sinh) vẫn đặt ra như mọi người khác với các thủ tục về khám người, thi hành các biện pháp tạm giữ, tạm giam… 

Đã đến lúc cần có quy định cụ thể để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế, chúng ta không nên coi đây là vấn đề nhạy cảm. Bởi thực tế, xã hội hiện đang có một số người đã chuyển đổi giới tính. Do đó, cần phải có luật để điều chỉnh kịp thời. Theo quan điểm của tôi, trước mắt chỉ nên thừa nhận xác định lại giới tính đối với các trường hợp vốn sinh ra đã “có vấn đề” và có kết luận của các cơ quan y tế có thẩm quyền. Bởi hiện có rất nhiều người đã rất rõ ràng về giới tính, nhưng khi trưởng thành, họ lại chuyển giới vì một mục đích khác; có thể như: trốn tránh nghĩa vụ quân sự, gian lận trong thể thao... 

Như vậy, chuyển giới  là việc  những người mang hình hài trong một giới tính khác với giới tính được thừa nhận. Đề nghị, các nhà làm luật cần quy định cụ thể hơn về việc xác định lại giới tính, các trường hợp được chuyển đổi giới tính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như thuận  lợi cho cả các cơ quan chức năng khi áp dụng.

Huệ Linh

Ca sĩ Dương Hoàng Yến: Định kiến của xã hội quá lớn

“Việc Mỹ thông qua luật hôn nhân đồng giới có ý nghĩa với cả cộng đồng những người thuộc giới tính thứ ba (đồng tính, song tính và người chuyển giới) ở các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều đó cho thấy xã hội hiện đại bây giờ ngày càng văn minh và bình đẳng. Bản thân tôi cũng có một số người bạn thuộc giới thứ ba và họ vẫn mang trong mình rất nhiều mặc cảm vì định kiến của xã hội quá lớn. Sự thật là khi sinh ra trên cuộc đời này, họ không thể tự lựa chọn giới tính cho mình nhưng họ cũng giống như bao nhiêu người bình thường khác, cũng mưu cầu hạnh phúc riêng và đáng được hưởng điều bình dị ấy. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ không có gì quá bất bình thường nếu như chúng ta nhìn nhận và công nhận điều đó. Nếu được như vậy, tôi tin cộng đồng những người đồng tính ở Việt Nam cũng sẽ đỡ mặc cảm hơn rất nhiều”.

Ca sĩ Văn Mai Hương: Mong người đồng tính được sống với giới tính thật

“Khi nghe tin cộng đồng những người đồng tính ở Mỹ đã được luật pháp nước này cho phép kết hôn, tôi rất vui. Tôi đã lập tức đổi ảnh đại diện trên trang Facebook cá nhân sang màu lục sắc (màu sắc tượng trưng cho cộng đồng người đồng tính – PV) và cũng đưa thông tin trên lên Fanpage của mình (trang kết nối những người hâm mộ). Điều bất ngờ là không lâu sau khi tôi đưa thông tin này lên mạng, đã có tới hơn 2.000 lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận thể hiện cảm xúc vui mừng. Tôi cũng chơi với rất nhiều người bạn đồng tính, họ đều là những người vui vẻ, thú vị và cuộc sống của họ cũng rất nhiều màu sắc. Tôi thực sự mong muốn họ cũng được xã hội công nhận, được sống đúng với giới tính thật của mình mà không lo bị mọi người nhìn với ánh mắt kỳ thị. Bởi thực tế thì họ không làm gì sai cả và cũng không có lý do gì để bị ngăn cấm trong việc tự lựa chọn đời sống tình cảm riêng cho mình. Nếu điều đó xảy ra ở Việt Nam, tôi sẽ là một trong những người ủng hộ đầu tiên”. 

Dương Cầm (Ghi)