Dự án Luật Tố tụng hành chính
Cần quy định rõ thẩm quyền của Tòa án
(ANTĐ) - Sáng qua (18-6), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính. Một trong những vấn đề “nóng” được các ĐBQH quan tâm là khiếu kiện hành chính loại nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?
Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) và Vi Thị Hương (Điện Biên), đề nghị nên quy định thẩm quyền của Tòa án theo phương án loại trừ. Qua đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính Nhà nước. “Với phương án này, việc quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án sẽ tránh được việc bỏ sót những lĩnh vực hành chính, mà thực tiễn có thể phát sinh khiếu kiện” - đại biểu Vi Thị Hương nêu rõ. Ngược lại, một số ĐBQH đề nghị quy định theo phương án liệt kê như đã từng quy định tại nội dung của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, có bổ sung những khiếu kiện mới theo quy định của pháp luật. Đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cho rằng, phương pháp này là phù hợp với năng lực thực tế của Tòa án các cấp.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, nhiều ĐBQH đề nghị cần làm rõ một số lĩnh vực để vừa phù hợp với năng lực giải quyết của Tòa án, vừa thuận lợi cho người khiếu nại, khởi kiện về hành chính. Các ĐBQH nhất trí quan điểm cần làm rõ nội dung khiếu kiện hành chính trong các lĩnh vực ngoại giao, ANQP và chỉ rõ những loại hành vi, quyết định hành chính Tòa án có thể giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. “Nhiều hành vi, quyết định hành chính trong quân đội thực chất chỉ là hành vi hành chính liên quan đến quyền lợi của quân nhân, không thuộc phạm vi ANQP, nên vẫn cần được đưa vào danh sách khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án” - đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) nêu ý kiến và cho rằng với nội dung này có thể giao cho Tòa án Quân sự thụ lý, giải quyết.
Mở rộng quyền của người khởi kiện cũng là nội dung được các ĐBQH quan tâm bàn thảo tại hội trường. Theo các ĐBQH, mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện là mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước. “Không nên có quy định thủ tục thỏa thuận giữa các bên có tranh chấp về hành chính là điều kiện bắt buộc trong quá trình giải quyết” - đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An) đề nghị. Các đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) và Nguyễn Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) đề xuất người khởi kiện có thể chọn Tòa án cùng cấp tại địa phương khác để nộp đơn khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện và tránh thực trạng Tòa án cùng cấp gặp “khó khăn” trong việc xử lý vụ kiện có liên quan đến thủ trưởng chính quyền cùng cấp.
Hồng Tuấn
Người dân giải quyết được những thắc mắc (ANTĐ) - Luật Tố tụng hành chính (TTHC) là điều kiện để người dân có cơ hội thể hiện quan điểm của mình, đối với những vấn đề không đồng tình trong các quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi đánh giá rất cao dự án Luật TTHC, bởi đã có được những giải pháp cho người dân giải quyết được những thắc mắc mà các cơ quan hành chính chưa đáp ứng được. Lê Văn Cuông (ĐBQH Thanh Hóa) |