Cần phân luồng học sinh

ANTĐ - Lại thêm một năm ngành lao động không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, khi chỉ giải quyết được việc làm cho 1,543 triệu lao động, đạt hơn 96% kế hoạch năm 2013; trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,4 triệu lao động, xuất khẩu lao động 88.155 người. Hơn 1,7 triệu người được dạy nghề, trong đó dạy nghề cho khoảng 450.000 lao động nông thôn. Đây là báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Nhìn thẳng vào thực trạng tồn tại, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch, chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp, trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Một số địa phương còn nhiều sai sót, vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề. Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và công tác xã hội nhấn mạnh, nếu quản lý dạy nghề chạy theo thị trường ảo, không hướng đến một nền đào tạo thực học, thực làm thì rất lãng phí và kéo theo nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề. Chủ trương, chính sách rất đúng, rất trúng nhưng có một thực tế là dù rất nỗ lực nhưng việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề hết sức khó khăn. Năm 2013 tuyển sinh học nghề chỉ đạt 86% kế hoạch.

Vị Chủ tịch Hiệp hội đề xuất, nếu Nhà nước không có sự điều chỉnh vĩ mô, không đào tạo theo yêu cầu của nền kinh tế, theo quy hoạch nhân lực mà chỉ đào tạo theo sở thích của người lao động như hiện nay thì hậu quả là làm rối thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần lao động kỹ thuật, lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề thành thạo thì không tuyển dụng được, trong khi lao động có trình độ đại học lại thất nghiệp. Xu hướng hiện nay là đào tạo theo nhu cầu người học, vì thế địa phương nào cũng phải mở đại học. Hệ lụy là thiếu giáo viên, không có học sinh thì hạ điểm đầu vào.

Nhiều trường dạy nghề tìm cách nâng lên đại học. Năm 2014, ngành lao động đề ra mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,5 triệu người; tuyển mới dạy nghề 1,7 triệu người. Vấn đề là phải sửa đổi Luật Dạy nghề như đề xuất của Hiệp hội Dạy nghề và công tác xã hội. Theo đó, cần “gỡ rối” một số vấn đề như quy định rõ công tác phân luồng học sinh; tháo gỡ đầu mối quản lý dạy nghề hiện nay. Hạn chế tình trạng trường đại học cũng dạy cao đẳng, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Do không tuyển được học sinh học nghề một số trường đại học còn “mua” lại học sinh của các trường dạy nghề. Ngược lại, một số trường dạy nghề cũng đào tạo đại học. Cuối cùng, phải tạo được chính sách thu hút người học nghề để họ tin tưởng vào nghề nghiệp, tiền lương…

Sửa đổi cơ bản Luật Dạy nghề, trước hết và quan trọng nhất là cần phân luồng học sinh bắt đầu từ trung học cơ sở. Ở châu Âu, hết lớp 9 có 65-70% học sinh đi học nghề, chỉ có 30-35% vào trung học phổ thông để đi tiếp lên đại học. Khu vực ASEAN cũng chỉ có 30% học sinh lên trung học phổ thông, còn 70% đi học nghề.