Sinh viên ơi! Em ở đâu? (4)

Cần phải tổ chức lại hệ thống đại học

ANTĐ - Theo kế hoạch Luật Giáo dục đại học sẽ trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặc dù soạn thảo mất nhiều năm và sửa chữa đến 5 lần, qua các cuộc hội thảo góp ý kiến vẫn không được giới đại học ủng hộ.

Được kỳ vọng là một công cụ pháp luật điều chỉnh được các mối quan hệ trong môi trường đại học nhưng dự thảo luật chưa xuất phát từ thực tiễn và không hướng nền đại học Việt Nam tới một tương lai cụ thể... Theo bà Trần Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hoà Bình thì hiện nay Việt Nam chưa có mô hình tổ chức hệ thống giáo dục đại học. Luật phải góp phần tạo ra mô hình tổ chức đó. Theo ông Lê Viết Khuyến trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp Hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập: Hiện nay hệ thống đại học chúng ta đang rối loạn bởi có quá nhiều loại hình giáo dục. Luật phải là công cụ để giải quyết tình trạng rối loạn đó.

Đa số các ý kiến trong các cuộc hội thảo đều mong Luật Giáo dục đại học sẽ là công cụ tổ chức một nền đại học trật tự, phát triển, đóng góp cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Theo chúng tôi không phải vậy. Định hướng phát triển nền giáo dục đại học và có chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020, tổ chức hệ thống đại học là công việc của Bộ GD-ĐT và Chính phủ. Luật chỉ là công cụ điều chỉnh các mối quan hệ, quy định trình tự pháp lý, các ngưỡng pháp lý cho các hoạt động giáo dục đại học. Trách nhiệm khắc phục những rối ren, yếu kém của hệ thống đại học hiện nay là của cơ quan quản lý Nhà nước.

Về việc có quá nhiều trường đại học, quá nhiều hệ đào tạo đại học nhưng chất lượng giáo dục thấp, sản  phẩm đầu ra méo mó, thấp cả tri thức lẫn tay nghề cần sớm có giải pháp phân tầng đại học. Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần phân biệt rõ đại học nghiên cứu và đại học đại chúng, sớm triển khai phương thức đào tạo theo tín chỉ. Chúng tôi cũng xin đề nghị cần sớm có thị trường giáo dục. Một thị trường giáo dục theo đúng nghĩa của nó sẽ góp phần nâng cao chất lương giáo dục, giúp đào tạo giáo dục bám sát nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Để có một thị trường giáo dục cần sớm mở đường cho sự tự chủ của các trường đại học, không chỉ đại học ngoài công lập mà cả đại học công lập. Tự chủ tài chính đã đành, tự chủ cả tuyển sinh và đào tạo. Sản phẩm của trường sẽ đem lại giá trị cho trường. Giảm bớt các hệ đào tạo nhằm phổ cập giáo dục đại học bất kể chất lượng như tại chức, liên thông, cử tuyển, liên kết, tăng cường đào tạo chính quy.

Tôi có hai con trai, tôi hy vọng mỗi đứa sẽ học một trường đại học danh tiếng và làm công tác nghiên cứu cơ bản. Tôi cũng mong muốn khi rỗi rãi đứa lớn có thể theo học một khoá đại học dạy làm vườn để chăm sóc vườn cây của nhà, đứa nhỏ sẽ học một khoá dạy chăm sóc mèo để phụ thêm cho quán cafe mèo của chị. Hai bằng đại học sẽ khác nhau về giá trị và dĩ nhiên khác nhau về chi phí đào tạo. Hai bằng ấy của chúng tự nhiên tồn tại mà không cần ai so sánh chúng với nhau, bởi vì thị trường biết rõ nếu trả lương cho việc nghiên cứu cơ bản sẽ khác rất xa với trả lương cho việc chăm sóc mèo.

Có lẽ mô hình tại chức đại học cũng đơn giản như vậy, tất nhiên đó là... người ta quan tâm đến tri thức và kỹ năng của người cầm tấm bằng hơn chính tấm bằng người ta cầm trên tay.