Cần phải giữ thăng bằng

ANTĐ - Thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng cùng với những nghị quyết được Chính phủ ban hành là kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục kiềm chế lạm phát, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời khẳng định năng lực điều hành của Chính phủ. Tin tưởng năm 2013 sẽ có thêm những điểm sáng nếu như nền kinh tế vượt qua được những khó khăn đang phải đối mặt với một loạt mâu thuẫn. Đó là thành công trong kiềm chế lạm phát nhưng giảm phát cũng đang đe dọa sự tăng trưởng kinh tế, trong khi nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn, doanh nghiệp lại phải cầm cự, chống chọi trong sản xuất kinh doanh. 

Nhiều chuyên gia có chung quan điểm, việc kiềm chế lạm phát không phải là bài toán khó nhất hiện nay. Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1-2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, tuy đã ban hành các nghị quyết nhưng Chính phủ nhận thấy, cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, song chưa chắc chắn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong tháng 1 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước với 4.278 doanh nghiệp “ngừng thở”, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp được “khai sinh”. Tồn kho chưa mấy cải thiện, vẫn ở mức cao, một số ngành tăng, từ hàng chục đến hàng trăm phần trăm. Lạm phát tháng 1 vừa qua tăng 7,07% so với cùng kỳ là do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán và chỉ mang tính nhất thời. Trong khi đó, đã có dấu hiệu áp lực lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới. Một chuyên gia kinh tế dự báo, thực trạng kinh tế cho thấy có những biểu hiện chứng tỏ đang rơi vào trì trệ.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cả nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thận trọng, nên khả năng mở rộng sản xuất, nới lỏng chi tiêu trong năm mới là rất khó. Có thể thấy, nền kinh tế đang thực sự khó khăn ở cả phía cung và phía cầu. Đây là một thách thức rất lớn cho Chính phủ khi muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại. Mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng quá thì sẽ bất ổn kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách. Nếu nhẹ tay quá lại không đủ vực dậy kinh tế, không đủ tạo ra sự đột phá. Thời kỳ một chính sách tài khóa - tiền tệ “mềm”, nới lỏng quá mức đã qua, bây giờ phải thực sự bước sang thời kỳ đồng tiền được sử dụng chặt chẽ, hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa - tiền tệ đã bước đầu được cải thiện. Năm 2012 đã trở thành điểm sáng giúp lạm phát được kiểm soát và giảm mạnh so với năm 2011, bước đầu tạo ra khuôn khổ vĩ mô ổn định. Hệ thống tiền tệ từng bước được ổn định, tỷ giá ổn định trong cả năm, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khoảng 9-10 tỷ USD. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nhìn từ chính sách tài khóa - tiền tệ, có thể nói năm 2012 là một năm cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành linh hoạt, sử dụng đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu những tác động phụ của chính sách. 

Tăng trưởng là con đường tất yếu để duy trì ổn định, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, hơn 87 triệu dân bước sang năm 2013 với giá trị GDP khoảng 140 tỷ USD. Về con số tuyệt đối, nước ta đã thoát ra khỏi quốc gia cực nghèo, nhưng thực ra, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 3-4USD/người/ngày, so với thế giới không là gì và chúng ta chưa thể hài lòng. Thực tế, cuộc sống người dân tiếp tục khó khăn, vì vậy cần phải giữ thăng bằng giữa lạm phát và giảm phát, cần tăng trưởng hợp lý để đảm bảo an sinh xã hội.