Cần phải “ăn ý” hơn

ANTĐ - Để lưu thông “huyết mạch” tiền tệ nuôi sống nền kinh tế, Nhà nước luôn phải sử dụng kết hợp cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo nhận định của giới chuyên gia cũng như ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm nay, chính sách tài khóa và tiền tệ đã tỏ ra phối hợp với nhau “ăn ý”, nhịp nhàng hơn trước. Điều hành lãi suất, tỷ giá không còn riêng rẽ, chạy theo thị trường mà đã có những điều chỉnh khá nhất quán.

Mới đây, để hồi sức cho nền kinh tế ấm lên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt quyết định. Trước hết là điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD lên 1%, giảm lãi suất tiền gửi USD xuống 0,25%/năm. Cùng đó, lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 1 tháng cũng giảm từ 2%/năm xuống 1,2%/năm. Dưới góc độ quan sát của thị trường, một loạt động thái của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có sự kết hợp tương đối đồng bộ. Nhà điều hành đã dựa vào yếu tố quan trọng là lạm phát đang xuống thấp để kéo lãi suất tiền gửi xuống khá ăn khớp với thực tiễn doanh nghiệp đang rất khó khăn, sức cầu kinh tế chưa khá lên và tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí hơn nữa để chia sẻ “gánh nặng” với cộng đồng doanh nghiệp. Việc kéo trần lãi suất huy động USD giảm xuống chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực theo đuổi chính sách chống “đô la hóa”, nâng giá trị VND, tạo ra khoảng cách chênh lệch của giá trị sinh lời giữa đồng nội tệ và USD, theo hướng có lợi cho VND. Khi người dân và doanh nghiệp bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng sẽ góp phần tăng dự trữ ngoại hối, củng cố thanh khoản ngoại tệ trong thị trường. 

Điều băn khoăn của dư luận là vì sao lại tăng tỷ giá? Mặc dù lạm phát được kiềm chế nhưng so với các nước, tỷ lệ của nước ta vẫn còn cao và gần đây giá trị đồng USD đang phục hồi rõ nét. Do vậy, việc điều chỉnh giá trị VND và USD phải dựa vào các yếu tố nhập siêu, tác động lan truyền của tỷ giá vào xuất khẩu hàng hóa. Đồng hành với những động thái tích cực của Ngân hàng, Bộ Tài chính cũng thực hiện một số chính sách mạnh mẽ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, đồng thời đã rà soát, hoàn thiện và bổ sung cơ chế tài chính, thuế để hỗ trợ cho quá trình nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, như vậy vẫn chưa đủ chứng tỏ sự “ăn ý” giữa tài khóa và tiền tệ. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét, cần linh hoạt, uyển chuyển hơn nữa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Tiền tệ vẫn còn ngập ngừng trong việc giảm lãi suất, còn tài khóa còn rụt rè trong việc đẩy mạnh đầu tư công.

Theo Chủ tịch Ủy ban này, mặt bằng lãi suất cho vay cần phải tiếp tục hạ thì mới thực sự khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Ngân hàng Nhà nước cũng phải “hy sinh” nhiều hơn, có những giải pháp mạnh hơn như tăng chi đầu tư công vào các công trình trọng điểm. Tóm lại, tài khóa và tiền tệ cần phải “ăn ý” hơn.