Cần những câu chuyện đời thấm thía

ANTĐ - Là một nhà giáo có tiếng, đồng thời với kinh nghiệm làm báo nhiều năm, TS. toán học Lê Thống Nhất trao đổi về tác động không nhỏ của báo chí tới lĩnh vực giáo dục cũng như mong muốn có thêm nguồn thông tin hữu ích thực sự hấp dẫn bạn đọc hơn với mảng việc nhà nhà đều liên quan này.

- Rất nhiều góc độ về lĩnh vực giáo dục được phản ánh thường xuyên trên báo chí. Là một nhà giáo, khía cạnh nào của giáo dục được phản ánh trên báo chí thu hút sự quan tâm của ông?

- Với góc độ của một nhà giáo tôi rất quan tâm tới những kinh nghiệm giảng dạy của các nhà giáo và những kinh nghiệm quản lý của các nhà quản lý giáo dục, tuy nhiên báo chí lại phản ánh rất ít. Tôi cũng thích thú khi được đọc những câu chuyện đời thường của những học sinh giỏi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt khó để học giỏi. Gần đây Báo ANTĐ có loạt bài viết trong chuyên mục “Vòng nguyệt quế” phản ánh các gương mặt thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo tôi, những nội dung này góp phần cổ vũ cho tinh thần hiếu học và giúp mọi người hiểu được những khía cạnh, những tác phong, công việc dù rất đời thường nhưng lại đem đến thành công lớn của các thủ khoa này.

- Còn nếu với tư cách là bạn đọc, ông thường tìm thấy hứng thú với những vấn đề nào của giáo dục mà báo chí đề cập tới?

- Khi tôi là bạn đọc, tôi vẫn luôn nhớ tôi là nhà giáo. Ngoài ra, khi con tôi còn ngồi ghế nhà trường, tôi cũng thường đứng ở vai trò một phụ huynh để tìm thấy những mối quan tâm của phụ huynh, học sinh được phản ánh trên báo chí. Từ đó, tôi có thể rút kinh nghiệm cho bản thân công việc của mình cũng như chia sẻ với các bậc phụ huynh khác trong việc nuôi dạy con cái.

- Có khá nhiều bài viết phản biện về các vấn đề lớn của giáo dục như  yếu kém của đào tạo bậc đại học, đề án 70.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình và SGK phổ thông hay gần đây nhất là việc đặt lại vai trò của môn Lịch sử trong nhà trường qua hiện tượng xuất hiện nhiều điểm 0 trong kỳ thi ĐH 2011. Theo ông, những bài viết như vậy sẽ tác động tới ngành giáo dục theo chiều hướng nào?

- Mỗi người ở vị trí khác nhau trong ngành giáo dục sẽ cảm nhận khác nhau. Mỗi khi đọc những bài viết ở dạng này chủ yếu tôi cảm thấy buồn. Tôi chỉ mong rằng những ai liên quan hãy bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề mà báo chí đã nêu. Nếu các nhà báo nói chưa chuẩn thì phải tranh luận thẳng thắn để mọi người hiểu đúng. Còn nếu như các nhà báo nói đúng thì cần cảm ơn họ đã phát hiện giúp mình để kịp soi xét lại, không nên luôn coi các nhà báo không hiểu vấn đề bằng mình để coi thường các vấn đề mà báo chí đã nêu. Những bài báo như vậy… tôi cho rằng tác động nhiều tới ngành giáo dục, nhưng để có tác động tích cực thì không phải là dễ.

- Ở góc độ là một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục theo ông, còn những mảng việc quan trọng nào của giáo dục ít được báo chí đề cập?

- Đó là mảng nêu lên những tấm gương tốt trong ngành giáo dục. Tôi nghĩ trong ngành giáo dục có rất nhiều tấm gương tốt mà chúng ta cần phản ánh để nhiều người chia sẻ những kinh nghiệm từ những tấm gương này. Ngày xưa tôi rất hay đọc tiểu sử các nhà toán học để từ đó tìm ra những điều mình cần học tập. Những câu chuyện về các nhà giáo dạy Toán như GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, GS. Hoàng Chúng, GS.TSKH Ngô Việt Trung... đã kích thích tôi rất nhiều từ khi tôi đi học. Ngày nay, phụ huynh, học sinh hay các thầy cô giáo khó có thể kiếm được những thông tin như vậy qua báo chí, trong khi theo tôi đây là một trong những hình thức mà báo chí đem đến tác động tích cực nhất cho ngành giáo dục bên cạnh việc đưa ra các mặt trái, tiêu cực.

 - Còn với kinh nghiệm làm báo cũng không ít năm của ông, báo chí nói chung và Báo ANTĐ nói riêng nên tiếp cận tới những mảng nào của giáo dục?

- Như tôi đã nói ở trên, báo chí nên tăng cường những bài viết chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy, học tập, nuôi dạy con em, quản lý giáo dục… Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng viết những đề tài này có vẻ “khó” so với những đề tài nêu những vấn đề “nổi cộm” trong giáo dục. Nhiều nhà báo chỉ thích viết mặt trái mà không quen viết mặt phải. Mặt phải nếu như được đầu tư một cách chu đáo và có những tìm tòi phát hiện riêng thì cũng sẽ rất hấp dẫn.

Riêng Báo ANTĐ, với lượng bạn đọc lớn và phong phú với thế mạnh về đề tài đời sống an ninh, trật tự xã hội thì cũng không thể thiếu mảng gia đình, giáo dục. Ngoài các bài thời sự của lĩnh vực này, bạn đọc cần được tiếp cận với những hình thức báo chí có tính chất truyền cảm hơn. Tôi đề nghị mở chuyên mục “Chuyện từ nhà đến trường” hay “Câu chuyện giáo dục” để chia sẻ những khía cạnh giáo dục đến từ gia đình, nhà trường, thầy cô, các em học sinh... Mỗi câu chuyện cố gắng đọng lại một “định lý” nào đó giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp nhận và bổ sung kiến thức giáo dục cho mình.

- Xin cảm ơn ông!