Luật Dữ liệu có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 đã tạo ra một khung pháp lý, tạo nền tảng cho nền kinh tế số; bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng, mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề như ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, y tế, giáo dục…
![]() |
Dữ liệu ở Việt Nam đang là "mảnh đất màu mỡ" có thể khai thác |
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế dữ liệu, với nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của dữ liệu. Từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan chính quyền đến các tổ chức và doanh nghiệp, dữ liệu đang được coi như một tài nguyên chiến lược.
Lãnh đạo và quản lý đều muốn khai thác và hiểu dữ liệu để nâng cao hiệu suất quản trị, tối ưu quy trình, ra quyết định và điều hành dựa trên dữ liệu. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng dữ liệu để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tự động hóa tiếp thị, tối ưu hóa tồn kho và chi phí.
Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc TAT Law Firm đánh giá, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và lòng tin từ khách hàng. Cùng với đó, các yêu cầu mới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và quản lý dữ liệu hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán dữ liệu để xác định các lỗ hổng và điểm chưa phù hợp với quy định mới. Doanh nghiệp cũng cần triển khai các giải pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập. Đồng thời, xây dựng và triển khai chính sách bảo vệ dữ liệu rõ ràng, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam lưu ý, dữ liệu là mỏ vàng, là nền tảng để khai thác. “Chúng ta cần khách hàng, cần dữ liệu, đặc biệt với những đơn vị thương mại hoặc kinh doanh mới để bán được hàng tốt nhất và nhanh nhất. Và khi có dữ liệu thì phải cố gắng thực hiện đúng quy định, phát triển lên để kinh doanh dữ liệu, lên sàn”, ông Thắng nói.