![]() |
Cân nhắc việc đánh thuế giá gia tăng với tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu |
Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), VCCI nêu, điều 3.23 dự thảo quy định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến là đối tượng không chịu thuế GTGT.
Danh mục các sản phẩm này được quy định tại Phụ lục I dự thảo.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, cách thiết kế quy định hiện tại là chưa phù hợp. Danh mục xây dựng theo phương pháp liệt kê mã HS, trong đó một mã HS bao gồm tất cả sản phẩm trong mã đó, mà không phân biệt sản phẩm tài nguyên khoáng sản thô hay đã chế biến sâu.
Do đó, cần cân nhắc quy định trên ở các mặt: Làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: doanh nghiệp phải ghi nhận toàn bộ thuế GTGT đầu vào thành chi phí kinh doanh, từ đó giảm sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, doanh nghiệp càng đầu tư nhiều vào chế biến sâu, càng cần công nghệ, máy móc, tài sản cố định thì lượng chi phí thuế GTGT sẽ tăng lên và trở thành rào cản phát triển với doanh nghiệp nói riêng và ngành chế biến tài nguyên khoáng sản nói chung.
Mặt khác, quy định trên không phù hợp với mục tiêu khuyến khích chế biến sâu, thay vào đó lại thúc đẩy xu hướng giảm chế biến sâu, chuyển sang bán nội địa.
Quy mô các ngành công nghiệp của Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm tinh chế cao còn ở mức độ hạn chế nên nhiều sản phẩm chế biến sâu phải tìm đến thị trường xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vốn đã chịu bất lợi về giá thành so với sản phẩm các nước khác, như thuế xuất khẩu cao hơn, nay chịu thêm chi phí thuế GTGT thì sẽ làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh.
Trong khi, các sản phẩm tinh chế thấp tiêu thụ trong nước không gặp bất lợi về thuế GTGT (các doanh nghiệp áp dụng thuế GTGT đầu ra 10%, bù trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra, không phải ghi nhận thuế GTGT vào chi phí). Từ đó, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tinh chế thấp hơn để có lợi về mặt thuế.
Quy định tại dự thảo cũng không phù hợp với mục tiêu chính sách ban đầu, quy định này nhằm hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, khuyến khích chế biến sâu trước khi xuất khẩu.
Do vậy, để đảm bảo mục tiêu chính sách, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nguyên tắc: không áp dụng với các sản phẩm khác hoặc sản phẩm công nghiệp được xác nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thể hiện sản phẩm đã trải qua chế biến bằng công nghệ hiện tại để gia tăng giá trị trước khi xuất khẩu với các tiêu chí như chế biến trong dây chuyền sản xuất khép kín ở quy mô công nghiệp; có tính chất lý hoá khác biệt; có giá trị, công năng sử dụng khác.
Không áp dụng với sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu theo Phụ lục I Nghị định 26/2023/NĐ-CP. Danh mục tại dự thảo xây dựng dựa trên cơ sở Phụ lục I Nghị định 26/2023/NĐ-CP về thuế suất thuế xuất khẩu.
Trong trường hợp sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu (tức không thuộc diện hạn chế, không khuyến khích xuất khẩu), sản phẩm này cũng nên được hưởng chính sách thuế GTGT thông thường.