Cân nhắc thêm quy định về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

ANTĐ -Thảo luận về dự thảo Luật thi hành Tạm giữ, tạm giam, sáng nay 9-11, các ĐBQH cho rằng, người bị tạm giữ, tạm giam có 2 nhóm là người đã bị kết tội và người chưa bị kết tội. Do vậy, dự thảo Luật phải quy định quyền của người bị tạm giữ, tạm giam theo hướng tách biệt rõ quyền của 2 nhóm đối tượng này. 

ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) góp ý, chỉ khi quy định theo hướng làm rõ quyền của 2 nhóm đối tượng là nhóm bị tạm giữ, tạm giam chưa bị kết tội và nhóm đã bị kết tội thì mới đảm bảo công bằng quyền lợi cho họ và đồng nhất với các luật liên quan.

ĐB Huỳnh Văn Tính góp ý về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam(Ảnh: Quốc hội)

ĐB này phân tích thêm, về chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam quy định rất chi tiết từ ăn, ở, mặc, y tế, sinh hoạt... song quy định chặt chẽ như vậy sẽ khó linh hoạt trong thực hiện, “chẳng hạn quy định chỉ được đun nóng bằng chất đốt thì chẳng nhẽ không có chất đốt thì không được đun nóng bằng điện?. Theo tôi Luật chỉ nên quy định chung rồi các điều khoản cụ thể thì giao Chính phủ quy định” – ĐB Huỳnh Văn Tính phân tích.

Trước đó, Uỷ ban Thưởng vụ Quốc hội cho biết, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Do vậy, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật, bộ luật hiện hành vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục thảo luận về dự thảo luật này, ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng đồng tình việc quy định trong luật phải đảm bảo tạo thuận lợi để thực hiện quyền của người bị tạm giữ tạm giam, tạm giữ song đề nghị cần phải nghiên cứu thêm với một số quyền cụ thể.

Về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bỏ quy định việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án và quy định cụ thể ngay trong luật số lần, thời gian gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam là phù hợp.

ĐB Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) góp ý thêm, luật cần quy định việc thăm gặp phải chịu sự giám sát chặt của cơ sở quản lý giam giữ, tức tất cả trường hợp đến thăm người bị tạm giữ, tạm giam đều phải chịu sự giám sát của cơ quan giam giữ, những trường hợp phức tạp phải có người của cơ quan thụ lý cùng giám sát.