Cân nhắc kỹ tác động kinh tế nếu xây sân bay Long Thành

ANTĐ - Sáng 29-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Cân nhắc kỹ tác động kinh tế nếu xây sân bay Long Thành ảnh 1Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Nhấn mạnh các yếu tố cần thiết phải đầu tư, các phương án xây dựng sân bay Long Thành, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu chi tiết phương án huy động và nguồn vốn để thực hiện dự án này. Cụ thể, khái toán tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn là 18,7 tỷ USD. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau: Vốn nhà nước giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1a là 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư); Vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước là 79.965 tỷ đồng, riêng giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư).

Về các phương án huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nguồn vốn ODA sẽ huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hoặc từ Chính phủ các nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... Ngoài ra, còn có thể huy động vốn thông qua các dự án PPP, BOT; nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân... Về cơ bản, việc xác định nguồn vốn, giải pháp huy động vốn xây dựng sân bay là khả thi.

Tuy vậy, thẩm tra về Tờ trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lo ngại, trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước khó khăn hiện nay, cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết và xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án. 

Ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: “Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn là chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu vay được từ các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Do vậy, cần đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; tác động của Cảng HKQT Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam”. 

Theo tính toán của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ có tác động lên nợ công nhưng không lớn. Cụ thể, nợ công sẽ bị tác động theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: Với mức vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD (giai đoạn 1) theo cơ chế Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động lên nợ công sau năm 2022 ở mức 0,091%, còn giai đoạn sau 2026 chỉ là 0,016%. Kịch bản 2: Cộng cả phần nợ công từ ODA và ngân sách thì tỷ lệ tác động lên nợ công sau năm 2022 vào khoảng 0,0975%.

Ông Ngô Văn Minh (ĐBQH Quảng Nam): Cần thông tin rõ ràng, cụ thể

“Điều tôi băn khoăn nhất với dự án này là khi giải phóng mặt bằng, tạo việc làm cho người lao động như thế nào? Sinh kế hết sức quan trọng, để đảm bảo cuộc sống người dân. Ngoài ra, khi thu hồi đất, dự kiến dự án bồi thường phân kỳ trong 2 giai đoạn: 2016 - 2019 và 2024 - 2026. Luật Đất đai 2013 quy định bồi thường đất theo giá thị trường, xác định hàng năm mà thời gian dài như vậy thì rất khó tính toán chính xác. Bên cạnh đó, cũng chưa thấy cam kết nào về việc không tăng tổng mức đầu tư dự án, nên các ĐBQH chưa thể yên tâm. Khi muốn quyết định chủ trương đầu tư, các ĐBQH cần các thông tin rõ ràng, cụ thể. Theo tôi, lần này Quốc hội chỉ đồng ý để Chính phủ lập dự án khả thi, khi đó mới trình để đảm bảo Quốc hội sẽ xem xét một cách thận trọng, khách quan”.