Cân nhắc được - mất khi tỷ giá lên cao

ANTĐ - Theo các chuyên gia, việc tuyên bố mức điều chỉnh “cứng” của tỷ giá trong năm có tác dụng tốt về mặt tâm lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng. Song, diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh sẽ đẩy Ngân hàng Nhà nước vào thế khó xử. 

Cân nhắc được - mất khi tỷ giá lên cao ảnh 1Các chuyên gia cho rằng, việc giữ ổn định tỷ giá vẫn đang phát huy tác dụng 

Tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, giá trị EUR so với USD đã giảm khoảng 23%, mức giảm giá của đồng Yên Nhật Bản so với USD cũng vào khoảng 18%. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá VND/USD trong khoảng 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh và vẫn neo ở sát mức trần cho phép trên thị trường chính thức. Những biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Các diễn biến này khiến chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thu hút nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.

Đánh giá những tác động khi điều chỉnh tăng tỷ giá, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tính toán: “Khi tỷ giá tăng 1%, xuất khẩu chỉ tăng thêm 0,15% trong cùng năm đó. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 1,13%/năm, do tăng tỷ giá khiến lợi nhuận của các hoạt động xuất khẩu gia tăng và khuyến khích các nguồn lực chuyển từ khu vực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước sang khu vực sản xuất phục vụ xuất khẩu”.

Mặc dù tỷ giá tăng khiến xuất khẩu tăng nhưng không phải lúc nào xuất khẩu tăng cũng dẫn tới tăng Tổng sản phẩm quốc nội – GDP. Mặt khác, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, tại Việt Nam, do còn tình trạng đô la hóa, nên việc kỳ vọng tỷ giá tăng sẽ khiến người dân chuyển sang nắm giữ vàng, USD và điều đó khiến cho lãi suất tăng theo. Việc điều chỉnh tỷ giá 2% mỗi năm sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm 0,6-0,8%. 

Những tác động ngoài mong muốn

Theo nhìn nhận của TS Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tỷ giá VND/USD tăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng lại làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thực tế cho thấy, tỷ giá tăng cũng đẩy lạm phát lên cao.

“Đồng Việt Nam được định giá cao so với USD và các ngoại tệ khác dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị giảm mạnh, không khuyến khích xuất khẩu trong khi lại khuyến khích nhập khẩu. Tình trạng tỷ giá chính thức có thời điểm chênh lệch lớn so với thị trường tự do khiến hoạt động đầu cơ ngoại tệ vốn giảm mạnh thời gian qua có thể quay trở lại. Nếu USD liên tục tăng giá trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng tỷ giá ổn định trong một thời gian dài thì dẫn tới khả năng khi Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá cho sát thực tế sẽ phải áp dụng biên độ lớn, có thể gây  sốc”, TS Lê Quốc Phương phân tích.

Ổn định biên độ tỷ giá, phát huy tác dụng tốt

TS Lê Quốc Phương cho rằng, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước hiện nay giúp tạo nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng gây ra không ít bất lợi. “Không nên neo tỷ giá vào một ngoại tệ duy nhất là USD. Nên có công thức neo tỷ giá theo rổ ngoại tệ chủ chốt. Mặt khác, chúng ta nên tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm. Bởi hiện USD tăng giá mạnh thì việc tuyên bố như vậy sẽ đẩy Ngân hàng Nhà nước vào thế khó xử. Tỷ giá nên được điều chỉnh thường xuyên hơn song mỗi lần điều chỉnh với biên độ nhỏ để tránh gây sốc cho thị trường”, TS Lê Quốc Phương đề xuất.

Đứng trước câu hỏi “Điều chỉnh hay không điều chỉnh tỷ giá”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ kiến nghị: “Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách tỷ giá “bò trườn” 1-2 VND/ngày có thể hữu ích cho nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo được sự ổn định trong ngắn hạn và linh hoạt trong dài hạn. Việc xác định giới hạn điều chỉnh tỷ giá tối đa cho mỗi năm cần dựa trên tốc độ phục hồi của nền kinh tế”.

Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng: “Cần kiên định mục tiêu neo buộc trực tiếp tỷ giá đồng Việt Nam với USD, do các tiền tệ khác như Nhân dân tệ Trung Quốc, EUR và Yên Nhật Bản không ổn định bằng USD”. Theo đó, chúng ta không nên vội vàng điều chỉnh chính sách tỷ giá từ song phương VND/USD sang rổ tiền tệ. Cho dù cơ chế rổ tiền tệ có thể ổn định, nhưng lại không khai thác kịp thời các tác động nhanh chóng và với lợi ngắn hạn của thị trường. Thực tế cũng đã cho thấy, chính sách neo tỷ giá theo USD đã góp phần đảm bảo sự ổn định của đồng Việt Nam trong khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu”.

PGS TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá, việc xác định biên độ biến động tỷ giá 2% trong năm của Ngân hàng Nhà  nước là thông điệp tốt. Bản chất đây là chế độ tỷ giá cố định có điều chỉnh trong biên độ hẹp. Thông điệp này tạo được yếu tố tâm lý tốt, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch, dự toán... Điều này nên tiếp tục phát huy, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước nên có thêm tuyên bố về khả năng điều chỉnh khi USD tăng giá mạnh, vượt ngưỡng duy trì của cơ quan quản lý, thay vì chỉ tuyên bố mức điều chỉnh cứng trong năm theo kế hoạch.