Cần ngay giải pháp cứu đàn bò sữa Ba Vì

ANTD.VN - Liên quan đến thực trạng một số nông hộ ở huyện Ba Vì (Hà Nội) phải bán đàn bò sữa, từ bỏ nghề chăn nuôi bò sữa vì nhà máy thu mua sữa tươi với giá thấp, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT (nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Vì) nhìn nhận, nếu không có giải pháp quyết liệt thì ngành chăn nuôi bò sữa của Hà Nội sẽ “vỡ”. 

Hệ thống thu mua sữa bị “cắt khúc”

- Một số nông dân Ba Vì đang phải bán đi đàn bò sữa với giá rẻ, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Ngay khi nghe được thông tin về tình trạng này, Cục Chăn nuôi đã chủ động về làm việc với Công ty CP sữa quốc tế IDP (đơn vị thu mua), đồng thời làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội để nắm tình hình cụ thể và xem nút thắt ở đâu.

Trong khi đàn bò sữa cả nước phát triển rất mạnh, các tỉnh lân cận Hà Nội như Hà Nam, Vĩnh Phúc đang phát triển rất nhanh thì đàn bò Hà Nội lại sụt giảm mạnh, từ 15.000 con nay còn khoảng 13.000 con.

Cùng trên địa bàn Hà Nội, sữa bò ở Phù Đổng (Gia Lâm) vẫn bán được với giá 11.000-13.000 đồng/lít nhưng sữa ở Ba Vì nông dân chỉ bán được 9.000-10.000 đồng/lít thì rõ ràng có vấn đề. Ngoài ra, tình trạng trên còn do Công ty sữa IDP đang gặp khó khăn, sản xuất thua lỗ dẫn tới việc thu mua sữa của nông dân cũng gặp trục trặc.

- Vậy nút thắt nằm ở đâu, thưa ông?

- Việc thu mua sữa của Công ty sữa IDP với các hộ dân trên địa bàn huyện Ba Vì đang bị cắt khúc. Hiện nay, IDP chỉ biết nắm các chủ tank sữa (chủ thu gom sữa từ nông dân), còn việc giữa những người này với nông dân như thế nào gần như công ty không hay biết. Như vậy là chuỗi sản phẩm đang bị “cắt khúc”, dẫn tới việc rà soát, đánh giá chất lượng sữa cũng bị “cắt khúc”. 

- Hệ thống thu mua sữa bị “cắt khúc” như vậy nên mới có thực trạng như hiện tại?

- Với thực trạng này rất dễ xảy ra 2 tình huống: không thống nhất giữa các đầu mối thu gom với người chăn nuôi hoặc không thống nhất giữa người thu gom với doanh nghiệp. Do vậy, rất dễ sinh ra mâu thuẫn như thừa - thiếu sữa, chất lượng bấp bênh; đánh giá chất lượng sữa không minh bạch gây bức xúc cho nông dân. 

Trước đây, việc đánh giá chất lượng sữa thống nhất từ công ty đến tận các  hộ chăn nuôi. Cùng đó, người của công ty còn về giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, còn như hiện nay, việc cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ nông dân kém hơn rất nhiều.

Từ đó, mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp lỏng lẻo, khoảng cách giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng bị kéo giãn nên rất dễ xảy ra sự không thống nhất. Đến thời điểm này, sản lượng sữa của toàn Hà Nội giảm khoảng 20%, nhưng nếu không có giải pháp nhanh thì sẽ còn tụt nữa và hậu quả là nông dân nuôi bò sữa không có lãi và sẽ phải bán bò. 

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cần ngay giải pháp cứu đàn bò sữa Ba Vì  ảnh 2

Nông dân cần được hỗ trợ để duy trì, phát triển đàn bò sữa

- Theo ông, cần làm gì để vực dậy đàn bò sữa của Hà Nội?

- Ngành nông nghiệp Hà Nội phải đánh giá lại toàn bộ hiện trạng đàn bò sữa của thành phố, phân loại chất lượng đàn bò. Sau đó, cần thông báo cho nông hộ những con bò của gia đình thuộc diện kém, đề xuất loại thải. Sản lượng sữa của đàn bò sữa Hà Nội rất thấp.

Bò Mộc Châu sản lượng cao nhất cho hơn 40 lít sữa/ngày/con, còn bò sữa ở Hà Nội cao lắm cũng chỉ được 20 lít sữa/ngày. Bởi vậy, giá thành 1 lít sữa tại Hà Nội lên tới 8.000-9.000 đồng/lít, quá cao, trong khi trung bình cả nước chỉ 6.000 đồng/lít. Rõ ràng, ngành nông nghiệp phải xây dựng lại chế độ dinh dưỡng cho đàn bò… 

- Nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn về sản xuất thì giải quyết thế nào, thưa ông?

- Ngành nông nghiệp cần phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất với UBND TP Hà Nội xây dựng chương trình sữa học đường bằng nguồn sữa trên địa bàn thành phố. Rất nhiều tỉnh, thành phố đã làm chương trình này nhưng Hà Nội chưa làm. Cơ chế hỗ trợ như một số tỉnh, thành phố đang làm là doanh nghiệp góp 15%, Nhà nước 15%, gia đình 70%. Chủ trương này sẽ giải quyết bài toán thị trường cho nhà máy, việc thu mua sữa cho nông dân cũng “trôi”. 

- Nhìn rộng ra, đàn bò sữa cả nước cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn lại chúng ta vẫn phải nhập khẩu sữa?

- Việt Nam đang rất thiếu sữa tươi nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang phát triển quy mô chăn nuôi rất mạnh. Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bò sữa hiện nay được đánh giá là nhanh nhất trong ngành chăn nuôi, năm nay đạt tới 21%.

Kế hoạch của ngành là đến 2020, đàn bò sữa có 300.000 con, nhưng cuối năm nay đã vượt con số này. Với đàn bò sữa hơn 300.000 con cho sản lượng khoảng 1 triệu tấn sữa, vẫn chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ, còn lại chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa còn rất lớn.