Cần một thị trường điện ảnh và văn hóa xem phim!”

ANTĐ - Đối thoại với một đạo diễn, hẳn nhiên chủ đề chính là chuyện làm phim, nhưng Bùi Tuấn Dũng có “trữ lượng” đủ để làm phỏng vấn feuilléton (dài kỳ). Anh tỏ ra quá tự tin không chỉ trong công việc đạo diễn, song căn nguyên của thái độ được tôi phát hiện ra. Đó là anh tri thức sống của anh khá phong phú, không chỉ là xoay quanh màn bạc, phim trường. Ngoài đời, với lối ăn mặc, tính cách khiến tôi nghĩ: nếu không làm đạo diễn, Bùi Tuấn Dũng thừa sức làm tài tử ciné quyến rũ. 

- Anh quả là người được trời ban nhiều thứ. Trước hết về bộ phim mới nhất nhé: Những người viết huyền thoại (NNVHT) đoạt Bông sen Vàng, giải khán giả bình chọn và 4 giải cá nhân cho Nam (Trương Minh Quốc Thái), Nữ (Tăng Bảo Quyên) diễn viên chính xuất sắc nhất, giải Biên kịch (Nguyễn Anh Dũng), giải họa sĩ thiết kế (Nguyễn Nguyên Vũ). Giải Nobel kèm theo trên 1,1 triệu USD, giải văn học Goncourt của Pháp chỉ kèm 10 euro, vẫn danh giá hàng đầu thế giới. Giải quan trọng nhất của Điện ảnh Việt Nam mà phim anh vừa giành thắng lợi, kèm bao nhiêu tiền, anh tiết lộ được không?

- Tôi không quan tâm đến số tiền kèm theo.

- Phim của anh giành được nhiều giải nhưng ít người được xem. Lại bế tắc khâu phát hành?

- Cục Điện ảnh Việt Nam có tổ chức một suất chiếu ra mắt tháng 9. Anh Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia tặng đoàn 1 buổi chiếu miễn phí sáng 1/10. Chúng tôi mời đoàn phim, các nghệ sĩ điện ảnh và nhà báo đến, xem xong có trao đổi. Tôi sẽ vào TP. Hồ Chí Minh dự 2 buổi chiếu chiêu đãi tối 18, 19/11 tại rạp Lotte, quận 7.

- Fafilm Việt Nam là Công ty phát hành lớn nhất của Nhà nước đã “chịu thua” từ lâu trước các hãng tư nhân, khiến dòng phim nghệ thuật bị lép vế quá trước phim thị trường? Anh chấp nhận làm phim xong cất kho, vì lâu nay không có ngân khoản cho quảng bá, phát hành phim trong tổng dự toán?

- Theo lý thuyết : nhiệm vụ của ĐD làm phim và được duyệt, giao nộp là xong. Biên chế Nhà nước, song tôi không vận động kiểu công chức nghệ thuật. NNVHT được đầu tư 8,6 tỉ đồng, tôi tự vận động xin tài trợ bên ngoài được 2,5 tỉ. Số tiền này đầu tư vào khâu kỹ xảo tiền kỳ, chỉ dư một ít đủ mời tiệc trà trong vài suất chiếu chiêu đãi. Phát hành phim tốt cần một hệ thống, bàn đến là phức tạp.

- Người ta vẫn lưu hành phổ biến một định nghĩa: “Phim là câu chuyện được diễn tả bằng hình ảnh”. Lại cũng có phim truyện không có “chuyện”, không mạch lạc về cốt truyện như một hình thái làm phim khác truyền thống. Với  anh?

- Phim là sản phẩm nhân văn về con người, là sản phẩm văn hóa xây dựng bằng các ký hiệu nghệ thuật, tập hợp và trả lời bằng cảm xúc trong tim người xem. 

- NNVHT là câu chuyện từ 1969, về những người làm đường ống dẫn xăng dầu phục vụ chiến trường dọc Trường Sơn. Đây là câu chuyện quá khứ? 

- Phim đề cập đến binh đoàn 559 và vị tướng hậu cần Đinh Đức Thiện - tác giả công trình xây dựng đường ống dẫn đầu vào chiến trường. Chuyện xăng dầu chống xâm lược vẫn có ý nghĩa với đời sống hôm nay, phim về thời nào tôi đều chú ý tính thời đại.

- NNVHT là một phim bi tráng?

- Đúng vậy, tôi không muốn người xem chảy nước mắt. Trong khi biển Đông của chúng ta, biên giới lãnh hải, hải đảo bị nhòm ngó thì người Việt cần sống có khí khách anh hùng. Đó cũng là tâm thế nhân vật trong phim, từ đứa trẻ đến một vị tướng Đinh (NSƯT Hoàng Hải thể hiện vai nguyên mẫu tướng Đinh Đức Thiện). NNVHT khiến người xem có xúc cảm đặc biệt và dấy lên tình yêu Tổ quốc. 

- Anh  ra đời sau ngày thống nhất đất nước. Sao anh hay làm phim chiến tranh?

- Tôi được giao và nhận làm, tôi không thích nói về đời tư, nhưng lý do để tôi biết nhiều, hiểu về chiến tranh, nhờ gia đình tôi là quân nhân chuyên nghiệp. Bố tôi từng công tác ở Tổng cục chính trị, ông đã mất đã 10 năm, nếu còn sống nay 90 tuổi, các anh chị tôi tham gia quân ngũ, đại gia đình có thương binh, liệt sĩ. Tôi không treo khoe tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, không sử dụng quan hệ của người thân vào công việc. Tuy nhiên, do đã từng làm phim chiến tranh, nên tôi có mối quan hệ với Bộ Quốc phòng. Không phim chiến tranh nào mà không cần giúp về bộ đội, phương tiện. 

- Anh sống bằng nghề phong lưu đấy chứ!

- Lương ở Hãng PTVN không đủ trả tiền xăng, điện nước. Tôi bỏ nhiều lời mời, dồn cả năm cho NNVHT trong khi nhuận bút đạo diễn chỉ đủ cho gia đình tôi sống 2 tháng. Thật là cuộc chiến hài hước. Nhưng tôi vẫn say mê làm phim nhất!

- ĐD Phi Tiến Sơn nói, lương đạo diễn hàng tháng không bằng lương thợ mộc, còn ĐD Phạm Nhuệ Giang bảo: Lương thấp hơn người giúp việc, không làm thêm thì thành “tầng lớp dưới đáy” về mức sống.

- Bạn thấy ai trong giới điện ảnh sống khổ không? Tất cả đều có đời sống tươm tất, hoàn cảnh khó khăn thì càng phải năng động. Tôi đi làm phim quảng cáo, truyền hình, sự kiện văn hóa chính trị, phải làm cật lực để nuôi vợ, con, mức sống tốt.

- Được biết anh còn là nhà sưu tầm cổ vật? Thôi anh đừng quá bí hiểm, tiết lộ một chút đi!

- Tôi được thừa hưởng nền tảng cổ vật từ thời cụ, ông, bố để lại bày tại ngôi nhà tổ ở huyện miền biển xa nhất Thái Bình - Thái Thụy, gần Đồ Sơn. Nhà riêng của tôi tại Hà Nội cũng chật vì đồ: loa, dàn âm thanh, tivi, đồng hồ, quả lắc, đèn dầuv.v...

- Tôi vừa nhìn thấy mấy chiếc guitar...

- (Cười). Tôi có chơi guitar điện

- Được biết cấp trung học anh là học sinh chuyên Vật lý tại Đại học Tự nhiên Hà Nội?

- Lý, Toán học tốt song Văn không tồi, nên tôi còn tự viết KB phim (Vũ điệu tử thần, 2007). Tôi thích đọc sách, ngốn 1.000 trang/tuần là thường.

- Anh có blog, facebook và thơ đưa lên đều. Anh làm thơ kiểu cổ như nhật ký ấy nhỉ!

- Đam mê làm phim, song tinh thần phong phú, thì đời sống sẽ thú vị. Thơ tôi ảnh hưởng thơ lãng mạn Pháp. Tôi có nhiều bạn vong niên, đúng hơn là gần gũi với những người lớn tuổi, như nhà văn Chu Lai.

- Con trai anh được bố đưa vào phim, phim đầu tiên lại là phim nhựa, một ưu ái cá nhân.

- Tôi chọn không phải vì Bob (Bùi Dương Kiếm Hùng) lúc đó 3 tuổi rưỡi đã thể hiện rõ nét khôi ngô, thông minh, mà vì tiến độ. Nếu là thấy cảnh dùng thuốc nổ TNT, mìn, phá bối cảnh để tạo hiệu ứng chiến tranh, đứa bé phải chứng kiến như một liên hệ đối lập, chắc không bố mẹ nào cho con đi đóng. Cha con tôi về Thái Bình, quay tại nơi có đại đội nữ pháo binh duy nhất từ thời chống Mỹ nay còn tồn tại. Tôi cho hai chị em, đứa chị (Phùng Hoa Hoài Linh - Nữ DV chính xuất sắc nhất LHP QT Dubai cho vai diễn trong phim Tâm hồn mẹ của Nhuệ Giang) đứng bên em trai (Kiếm Hùng) ngơ ngác, tạo ra sự đối lập trước bom đạn tàn khốc.

- Một “cận cảnh” tổ ấm của anh?

- Tôi hay rong ruổi ô tô đến nhiều nơi không chỉ vì công việc và thanh thản trở về nhà, thích chơi với 2 con. Tôi không thích ồn ào, nên mua căn hộ tầng 5 của chung cư 9 tầng trên đường Lê Văn Lương.

- Trở lại với điện ảnh, anh đề xuất cách gì để cứu văn tình hình thảm hại hiện nay của hãng mình?

- Nếu chờ cơ chế lâu thì hãng chủ động thay đổi trước. Chúng ta đang hít thở và sống trong đất nước đang phát triển tương đối an toàn, song lại đã xuất hiện những bất thường về nhiều hiện tượng mà quản lý xã hội cần pháp trị. Nhà nước cần có định hướng phát triển, đầu tư cho điện ảnh, nếu tôn trọng vai trò của nó hơn 50 năm qua. Cần lộ trình khoa học cho việc tạo lập văn hóa đến rạp, thói quen đọc sách, xem phim phải trả tiền. Quan trọng nhất là có thị trường điện ảnh và định hướng đào tạo chứ không phải chỉ là lập công ty TNHH Một thành viên và cho vài vài tỷ làm phim mỗi năm.

Chia tay Bùi Tuấn Dũng mở cốp xe Mitsubishi đỏ 7 chỗ của anh cho tôi xem: 1 lô nơm tre, loại nơm úp cá... Anh cười tươi khi tôi hỏi: Đây cũng là đồ anh sưu tập à?