Cần một hành lang pháp lý rõ ràng

ANTĐ - Hoạt động cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính ngày càng nở rộ ở Việt Nam, đặc biệt tại những thành phố lớn trong cả nước. Sức nóng của nó đang lan tỏa ở khắp mọi nơi, từ các siêu thị cho đến cửa hàng xe máy, từ quầy giao dịch bưu điện cho đến các khu chợ dân sinh và từ mạng xã hội cho đến cả ngoài đường. Lợi ích, tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên các quy định về luật pháp liên quan tới hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt trong vấn đề lãi suất.  
Cần một hành lang pháp lý rõ ràng ảnh 1

Một nhân viên của Công ty tài chính đang tư vấn cho khách hàng

Bùng nổ các công ty tài chính

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009, tính đến thời điểm hiện nay trên cả nước hiện đang có gần 20 công ty tài chính (CTTC) đang hoạt động. Trong số các công ty này có 6 CTTC nước ngoài và 12 CTTC trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, trong đó một số tên tuổi chiếm thị phần lớn như: Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance, Prudential Finance, ACS Trading, JACCS... Theo dự thảo thông tư về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong thời gian tới đây các ngân hàng sẽ không còn được cho vay tín chấp, tiêu dùng mà phải chuyển hoạt động này sang các CTTC.

Đây được xem là lý do chính sẽ dẫn tới bùng nổ hàng loạt các CTTC mới. Nhiều ngân hàng đã bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua thành lập CTTC hoặc mua lại các CTTC để tái cơ cấu, chuyển thành các CTTC tiêu dùng. Trong đó có thể kể đến việc Ngân hàng Techcombank mua lại CTTC hóa chất Việt Nam, HDBank đã mua lại CTTC Việt (SGVF), VPBank mua CTTC Than - khoáng sản Việt Nam, SHB sáp nhập CTTC Vinaconex-Viettel, Maritime Bank mua lại CTTC Dệt may... 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng qua các CTTC là hợp lý, giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng thực chất hơn. Bởi nếu gộp cho vay tiêu dùng vào hoạt động vay của ngân hàng sẽ khiến cho gánh nặng nợ xấu tăng thêm và ngân hàng không dám đẩy mạnh phát triển mảng cho vay này. Trên thực tế, trong vài năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC phát triển khá mạnh do đã đánh đúng vào tâm lý người tiêu dùng  thông qua các yếu tố thủ tục nhanh, gọn, đơn giản tối đa cho khách hàng.

Hiện nay, hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán xe máy, bán điện thoại di động, hàng điện tử điện lạnh… ở các tỉnh thành lớn đều có nhân viên của các CTTC tư vấn tại chỗ và sẵn sàng ký hợp đồng cho khách hàng vay trong vòng 30 phút. Các công ty tài chính này thường nhắm tới nhóm khách hàng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng, đa phần họ có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng... Đây cũng là lý do mà các công ty tài chính chỉ cho vay những khoản nhỏ lẻ đồng thời chấp nhận việc không có tài sản thế chấp.

Tự do về lãi suất?

Không thể phủ nhận vai trò của các CTTC giúp các đối tượng khách hàng không được ngân hàng phục vụ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi và theo phản ánh của nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ của các CTTC hiện nay các công ty tài chính đang áp dụng mức lãi suất khá cao, khoảng từ 2 đến 3%/tháng tính theo dư nợ ban đầu. Đó là chưa kể đến mức phí phạt trả trước được tính là 2%/dư nợ còn lại. Tính theo lãi suất này, mức lãi suất phổ biến quanh mức 25 - 30%, thậm chí là 50- 70%/năm. Mức lãi suất này rõ ràng là cao hơn hẳn so với đi vay tại ngân hàng, chính vì thế các CTTC đã vấp phải không ít những vụ kiện tụng của khách hàng vì cho rằng đã vượt quá lãi suất cơ bản.

Theo lý giải của nhiều CTTC, do phải chịu mức rủi ro cao nên lãi suất của các CTTC này bắt buộc cũng phải cao. Theo Luật sư Bùi Quang Minh, đoàn Luật sư Hà Nội, đứng về phía cạnh pháp lý hiện nay rất khó cho cơ quan chức năng xác định mức lãi suất cho vay của các CTTC có phải là “cắt cổ” hay tín dụng đen hay không, bởi khác với hoạt động cho vay tín dụng của các ngân hàng thương mại, cho vay tiêu dùng của các CTTC là những thỏa thuận dân sự và không bị giới hạn về lãi suất. Ở đây, giữa bên đi vay và cho vay có quyền thỏa thuận về một mức lãi suất phù hợp.

Và nếu hai bên đã đồng ý ký vào hợp đồng rồi thì đương nhiên phải có trách nhiệm thực hiện theo các điều khoản thỏa thuận đã ký. Trong khi đó, trên thực tế có nhiều người khi vay tại các CTTC thường không tìm hiểu kỹ về khoản vay của mình trước khi đặt bút ký, để rồi sau đó cảm thấy “hụt hẫng” khi biết rõ về các loại phí phạt hay lãi suất vay.

Hiện nay đang tồn tại sự mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Dân sự, gây nhiều tranh cãi cho bên đi vay và cho vay. Cụ thể, theo khoản 2 điều 91 trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Song, theo điều 476 Bộ Luật Dân sự quy định về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 9%/năm suốt từ 2010 tới nay - nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm).

Điều này đã gây nên một sự khó hiểu trong tâm lý người tiêu dùng. Thực tế, đã có trường hợp người đi vay không còn khả năng trả nợ và cảm thấy vô lý khi phải trả lãi suất cao hơn so với ngân hàng thương mại, họ đã đâm đơn khiếu kiện các công ty cho vay tài chính căn cứ trên nền tảng là Luật Dân sự có quy định về trần lãi suất. Tuy nhiên, ngay chính các cơ quan Tòa án cũng lúng túng trong việc xác định mức lãi suất thỏa thuận. Hiện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý lãi suất tín dụng tiêu dùng.

Chưa có khung lãi suất

Có thể thấy, nguồn gốc sâu xa của thực trạng này là do các cơ quan chức năng hiện chưa có khung cụ thể về mức lãi suất cho vay, thiếu văn bản hướng dẫn thống nhất nên có sự khập khiễng giữa quy định trong luật và thực tế. Theo giới chuyên gia, mặc dù hiện nay vẫn còn tồn tại những băn khoăn về mức lãi suất cho vay tiêu dùng, song điều đó không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này, bởi lợi ích mà nó mang lại đáp ứng được được nhu cầu cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập. 

Theo chuyên gia kinh tế, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này cần sớm xây dựng khung pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Trong đó, phải tách biệt với hệ thống quy định điều chỉnh đối với ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách phù hợp để giúp giảm chi phí đầu vào cho các khoản vay tiêu dùng. Theo đó, cần có cơ chế để giảm chi phí thu thập thông tin tín dụng khách hàng do lượng khách hàng của các CTTC là rất lớn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để chuẩn hoá và cập nhật dữ liệu công dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nói chung và CTTC tiêu dùng nói riêng.

Luật sư Bùi Quang Minh cho rằng, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý một cách thích đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, thu hút khách hàng tham gia.

Một trong những vấn đề nhằm quản lý linh hoạt thị trường tín dụng tiêu dùng là sớm bổ sung chế tài xử lý các hình thức niêm yết lãi suất cho vay không minh bạch trên thị trường để bảo đảm quyền lợi cho các công ty tuân thủ nghiêm túc pháp luật, cũng như bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Đặc biệt, mức độ giám sát đối với các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần phù hợp hơn, qua đó vừa đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ thị trường phát triển và mang lại những lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước và bản thân các CTTC tiêu dùng cũng phải chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ cho vay tiêu dùng.

CTTC cần phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực, một chiều, gây bất lợi trong dư luận. Làm được như vậy, uy tín, vai trò của CTTC mới được thể hiện, tạo động lực tham gia vào quá trình giao lưu hàng hóa, mang lại những thuận lợi nhất định cho người tiêu dùng nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Theo Luật sư Bùi Quang Minh, lãi suất sẽ chỉ giảm xuống khi thị trường xây dựng được đầy đủ lịch sử tín dụng của khách hàng, một khi quy chế quy định được phát triển đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay, cũng như giảm thiểu chi phí tín dụng. Hoạt động của các CTTC khi đó mới trở hiệu quả hơn để giảm bớt chi phí vận hành. Đồng thời cần giúp nâng cao hơn nữa các kiến thức và hiểu biết luật pháp về tài chính cá nhân cho người dân. Đồng thời, các CTTC cũng cần phải đơn giản hóa hơn các nội dung trong hợp đồng, cải thiện các dịch vụ tư vấn của mình, nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với các 

khoản vay.