![]() |
Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm |
Tại phiên chất vấn sáng 9-7, HĐND TP đã công bố giám sát của Thường trực HĐND TP về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, trong những năm qua, công tác bảo đảm ATTP được thành phố đặc biệt chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Tuy nhiên, HĐND TP cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế...
Báo cáo nêu rõ, tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn rất lớn, khoảng hơn 80.000 cơ sở, nhưng sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Ngoài ra, việc triển khai mạng lưới giết mổ tập trung theo Quyết định 761 ngày 17/02/2020 của UBND TP chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thành phố đã phát triển được 5/08 cơ sở giết mổ công nghiệp theo phê duyệt được đầu tư, xây dựng (đạt 87,5% so với số lượng cơ sở được phê duyệt).
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 5 cơ sở giết mổ đang hoạt động giết mổ thường xuyên; vẫn còn 2 cơ sở giết mổ phải tạm dừng hoạt động.
Đối với việc phát triển cơ sở giết mổ tập trung: đã có 3/08 cơ sở giết mổ được đầu tư, xây dựng và đi vào sản xuất (đạt 37,5% số cơ sở được phê duyệt).
Tuy nhiên, các cơ sở hiện đang hoạt động cầm chừng, công suất hoạt động đạt trung bình khoảng gần 40%. Tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp ra thị trường tiêu thụ chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
HĐND TP dẫn chứng, dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh được triển khai và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, với quy mô xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khoảng 4,3ha...
Sau hơn 8 năm kể từ khi hoàn thành, công trình vẫn chưa được đưa vào vận hành. Hiệu quả đầu tư của dự án này đã được HĐND TP chất vấn, yêu cầu giải trình, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi các cơ sở giết mổ tập trung chưa triển khai hoặc công suất chưa đạt thiết kế, thì vẫn tồn tại 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư chưa kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn khoảng hơn 80.000 cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, mới có hơn8.100cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chiếm chỉ khoảng 10%
Ở mọi ngõ ngách của Thủ đô, nơi nào cũng có thể bắt gặp những hàng quán kinh doanh thực phẩm và không ai chắc những hàng quán này đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giám sát của Thường trực HĐND nêu ví dụ: Cơ sở Cơm tấm cô Ba ở phường Tây Hồ có giấy phép kinh doanh nhưng chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Vậy mà trong suốt 6 tháng, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động cung cấp hàng trăm suất ăn mỗi ngày;
Cơ sở dịch vụ cơm tấm Tư Mập cũng ở phường Tây Hồ tuy xuất trình được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng những thực phẩm bảo quản lại mất vệ sinh… Thực phẩm để ngay nền nhà lối đi ẩm thấp dẫn đến nấm mốc. Khu chế biến chưa tuân thủ quy định một chiều trong chế biến thực phẩm.
Giám sát của HĐND TP cũng chỉ ra các mối lo về thực phẩm đường phố, bếp ăn tập thể...
Cùng đó, một lượng lớn thực phẩm nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu nên khó khăn trong công tác thống kê, rà soát và quản lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do nhiều cơ quan ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến không hiệu quả. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP còn mang tính hình thức.
Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP mỏng, nhiều cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kịp thời, công cụ phương tiện kiểm tra kiểm soát trong lĩnh vực này rất hạn chế…
"Thành phố rất cần một "chiến dịch" tổng lực từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh trong lĩnh vực ATTP, để bảo vệ thị trường tiêu dùng, và trên hết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đây không chỉ là vấn đề quản lý nhà nước mà còn là vấn đề đạo đức, lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng", giám sát của Thường trực HĐND TP nêu rõ...