Cần minh bạch giá xăng dầu

ANTĐ - Chiều qua (20-12), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” nhằm giải đáp những thắc mắc của người tiêu dùng liên quan tới xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước không bắt nhịp với thế giới bởi cách điều hành thuế

Vì sao tăng nhanh giảm chậm?

Nhiều ý kiến cho rằng việc giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá  trong bối cảnh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm vị thế độc quyền là đi ngược với nguyên lý quản lý do đó khiến giá xăng dầu trong nước tăng nhanh giảm chậm. Lý giải cho việc giá xăng dầu trong nước không cùng nhịp với giá thế giới, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho rằng: “Việc tổ chức vận hành thuế trong suốt thời gian dài thiên về bình ổn giá, nghĩa là giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm thuế suất về mức 0%. Đương nhiên giá bán sẽ không theo xu hướng thế giới mà chỉ tăng vừa phải. Năm 2012, gần như thuế bằng 0% trong 6 tháng đầu năm và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Tất yếu đến nay khi giá xăng dầu thế giới hạ thì phải khôi phục thuế”. “Đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, cả 3 đều không thực hiện được điều khoản về thuế. Những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế”, ông Bảo chỉ rõ.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho rằng: “Quan trọng là cần xác định chúng ta muốn gì. Giá xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và đây chính là tâm điểm dư luận bức xúc bởi tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường. Muốn điều này không xảy ra thì phải ổn định giá. Có nghĩa là giá lên bao nhiêu thì giảm thuế và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định. 

Không minh bạch ở đâu?

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) việc thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định này. “Chúng tôi cho rằng cơ chế giá này rất công khai, minh bạch. Về công khai, Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84, các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... Thứ hai, mỗi lần điều hành giá, chúng tôi đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Thứ ba, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí. Về minh bạch, chúng tôi đều thông báo rõ ràng các chi phí cấu thành giá, ví dụ giá cơ sở”. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: “Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, giở bất cứ một tờ thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch”.

Nói về vấn đề công khai, minh bạch ông Bảo cũng đưa ra ý kiến: “Thứ nhất, mỗi lần điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá, rất minh bạch, nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào. Nhìn lại kết cấu giá năm 2012, tôi lấy ví dụ giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%, điều này phải giải thích bằng cách thức khác. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng “chạy” cả thì rõ ràng ảnh hưởng đến giá cuối cùng”.

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng chi phí định mức 600 đồng/lít xăng và 400 đồng/lít dầu đã quá lạc hậu. Vậy Bộ Tài chính dự định thay đổi cách tính chi phí này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, chi phí định mức với xăng dầu được quy định tại Thông tư  234 , được xây dựng từ năm 2009, ở thời điểm đó thì định mức này là phù hợp. Nhưng từ đó tới nay, các yếu tố tác động tới chi phí định mức đã có thay đổi, chúng tôi đang đánh giá rà soát để sẽ có điều chỉnh hợp lý, đặc biệt là chi phí tiền lương, tài chính (lãi suất), vận chuyển, điện nước...