Cần minh bạch các khoản lỗ của EVN

ANTĐ - Chỉ trong gần 1 tháng đã hai lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị cho phép điều chỉnh giá điện. Lỗ là lý do chính để ngành này đề nghị tăng giá điện. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình là sự thiếu  minh bạch về những khoản lỗ của EVN. Lỗ như thế nào, lỗ do dâu? Và ai là người phải gánh cái lỗ ấy.  EVN, Nhà nước, hay người dân?
Cần minh bạch các khoản lỗ của EVN ảnh 1


Tăng giá điện vượt mức cho phép của Chính phủ

Một kết quả thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện mới đây đã khiến dư luận giật mình. Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện ra vụ việc vào tháng 2-2010, trong Thông tư 08/2010, Bộ Công Thương đã cho phép EVN tăng giá bán điện bình quân năm 2010 lên mức 1.058 đồng/KWh, tức cao hơn 2,2% so với mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Bày tỏ quan điểm trước kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng: Các cơ quan có liên quan cần ngồi với nhau để làm rõ nguyên nhân của sự “vượt rào” này, để không khiến người dân thấy sự khó hiểu trong thi hành chỉ đạo của Chính phủ giữa các cơ quan.

Sau lần tăng thứ nhất từ 1-3-2011 với mức 15,28%, việc tăng giá điện lần thứ hai trong năm nay, cụ thể là vào quý IV đã được rục rịch bàn luận từ nhiều tháng qua. Lý do tăng giá được EVN giải thích là đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí giá thành điện, đảm bảo có tiền đầu tư và giảm lỗ. Với khoảng tăng từ    10-13%, có lẽ đây là mức “khiêm tốn” nhất của nhiều đợt EVN xin tăng giá điện thì cũng đã gấp 2 lần so với kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giá điện năm 2010 (6,8%). Theo ước tính, nếu Chính phủ đồng ý cho tăng giá điện 13% so với mức giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh, giá điện bình quân sẽ tăng lên tới 1.403 đồng/kWh. Nếu tăng 11%, giá điện bình quân sẽ ở mức 1.360 đồng/kWh.

Câu chuyện đầu tư ngoài ngành

Điều đáng nói là hiện nay, bên cạnh những khoản lỗ mà EVN đưa ra: do gặp khó khăn về vốn, nhiều dự án chậm tiến độ, mua điện với giá cao… EVN còn một khoản lỗ do… đầu tư ngoài ngành. Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho hay, vốn đầu tư ngoài ngành của EVN là 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ. EVN đã có “thâm niên” 6 năm lấn sân sang viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm... EVN “đoạt” ngôi thứ 3 về đầu tư ngành ngoài trên cả nước, vượt trên 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Nhưng thực chất không phải tất cả những khoản đầu  tư này đều đem lại nguồn lợi kinh tế cho EVN. Do cơ chế đầu tư dàn trải và thiếu quản lý đã dẫn đến hậu quả doanh nghiệp này phải chịu tổng các khoản lỗ đến hơn 31.000 tỷ đồng. Lỗ nặng liên tiếp, rồi bị chính các tập đoàn Nhà nước khác như Tập đoàn Than và khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí đòi khoản nợ lên tới 10.000 tỷ đồng, khiến EVN phải tìm đến giải pháp: tăng giá điện.

Dư luận đòi hỏi EVN cần minh bạch về giá điện. Tăng bao nhiêu, giảm như thế nào, vì sao tăng người dân có quyền được biết lý do. Cụ thể phần giá tăng thêm người dân phải gánh là bao nhiêu? Phần nào tăng thêm là do lỗi của doanh nghiệp trong việc quản lý tài chính thì doanh nghiệp phải chịu, chứ không thể để người dân gánh phần chi phí này.

 Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp không nên chỉ  biết tăng giá mà nên cho người tiêu dùng thấy những nỗ lực cắt giảm chi phí của mình để người dân tin và yên tâm hơn với số tiền mình đã phải bỏ ra. Còn nếu người tiêu dùng trả rẻ, không thể đầu tư mở rộng sản xuất được, thì việc tăng giá đó là hợp lý, người dân cũng dễ chấp nhận. Các thông tin cần phải minh bạch.

Chưa nên tăng giá điện trong năm nay

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giá điện không nên tăng đến hết năm nay. Bởi lạm phát ở Việt Nam còn đang rất cao. Trong nửa đầu năm 2011, lạm phát đã tăng chóng mặt cùng với giá cả hàng tiêu dùng, thực phẩm vọt lên đến 50%, đặc biệt trong bối cảnh tháng 11 - thời điểm nhạy cảm về giá. Nếu giá điện tăng sẽ làm cho đời sống người dân, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn.

Tại buổi họp báo sau phiên họp thường kỳ tháng 9-2011 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ không đồng tình với việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và điện luôn kêu lỗ và đề nghị tăng giá các mặt hàng này; vì nếu giá xăng dầu và điện tăng, sẽ kéo theo một loạt các mặt hàng khác tăng giá theo sẽ đe dọa đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Thực tế hiện nay, sức ép về các khoản lỗ quá lớn, EVN rất thiếu vốn và phải tính đến việc tăng giá điện để bù lỗ. Đó là sự phi lý. Ngành điện cần tính toán lại sản xuất kinh doanh sao cho hiệu quả để giải quyết những khoản nợ chứ không nên dồn gánh gặng lên những người dân. Xuất phát điểm của việc tăng giá điện phải dựa vào sự biến động của giá thành sản xuất điện, chứ không thể căn cứ vào sự báo lỗ của doanh nghiệp. Nếu Chính phủ đồng ý cho tăng giá điện sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp Nhà nước khác. Quyết định không phù hợp sẽ càng khiến cho các doanh nghiệp Nhà nước trì hoãn quá trình minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh của mình. Để thuyết phục cho việc tăng giá điện, EVN cần phải trả lời rõ các câu hỏi tại sao lỗ, lỗ do đâu. Có khoản lỗ nào do EVN mang hàng nghìn tỷ đồng đi kinh doanh ngành ngoài, tham gia chứng khoán, ngân hàng, bất động sản hay không?

Trước sức ép của dư luận về việc EVN đề nghị tăng giá điện, mới đây nhất EVN đã đưa ra thông tin rằng trong tháng 11 chưa tăng giá điện vì mục tiêu kiềm chế lạm phát. Song dù chưa tăng giá điện trong tháng 11, thì dư  luận vẫn đòi hỏi một sự minh bạch về các khoản lỗ của EVN. Người dân không có nghĩa vụ phải “gánh” lỗ thay các doanh nghiệp.