Cần mạnh tay quét sim “rác”

(ANTĐ) - Chúng ta đang có 7 mạng di động hoạt động phủ sóng toàn quốc nhưng phần lớn số lượng thuê bao trả trước vẫn thuộc về 3 đại gia lớn là MobiFone, ViettelTelecom và Vinaphone. Số lượng thuê bao trả trước đã kích hoạt sử dụng lên đến con số 90 triệu (hơn cả dân số Việt Nam) cho thấy sự bùng nổ của sim “rác” vì chỉ có khoảng 30% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 90% trong số đó là sim trả trước.

Cần mạnh tay quét sim “rác”

(ANTĐ) - Chúng ta đang có 7 mạng di động hoạt động phủ sóng toàn quốc nhưng phần lớn số lượng thuê bao trả trước vẫn thuộc về 3 đại gia lớn là MobiFone, ViettelTelecom và Vinaphone. Số lượng thuê bao trả trước đã kích hoạt sử dụng lên đến con số 90 triệu (hơn cả dân số Việt Nam) cho thấy sự bùng nổ của sim “rác” vì chỉ có khoảng 30% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 90% trong số đó là sim trả trước.

Những câu chuyện xung quanh sim “rác” đã thành tâm điểm của nhiều cuộc trao đổi, làm thế nào để quản lý được những thuê bao trả trước. Chiêu “đăng ký” nhân thân cho thuê bao trả trước được rất nhiều hãng khuyến khích bằng tiền và đây chính là cửa làm ăn cho rất nhiều đại lý sim. Hiện 3 hãng viễn thông VinaPhone, MobiFone và Viettel Telecom đang có hàng trăm nghìn điểm bán hàng và đội ngũ cộng tác viên trên toàn quốc. Các cửa hàng, đại lý này đều được sử dụng sim đa năng để thay nhà mạng tiếp nhận thông tin khai báo của khách hàng.

Thẻ sim này kết nối với hệ thống mạng để chuyển tải những dữ liệu cá nhân của các thuê bao, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Với mỗi sim đăng ký thành công, chủ đại lý cửa hàng được hưởng tỷ lệ phần trăm nhất định cùng với khoản tiền thưởng 12.000-16.000 đồng. Với khoảng 4 triệu sim đã đăng ký, các đại lý có thể hưởng tới 640 tỷ đồng.

Một khoản lợi không nhỏ đối với các điểm bán hàng nên vì thế mà một số đại lý đã sử dụng sim đa năng, thậm chí thiết bị của Trung Quốc để kích hoạt hàng triệu số di động, tự khai báo thông tin “ma” và bán ra thị trường. Trong số đó, theo ước tính của các mạng di động, hiện có ít nhất 4 triệu sim đã được bán ra sẽ phải đăng ký lại vì trong thời gian qua nhiều đại lý tự tiện đăng ký thông tin rồi bán cho khách hàng sử dụng. Trên thực tế các sim này đã được đăng ký thông tin cá nhân, nhưng lại không phải là thông tin cá nhân của người sử dụng, hoặc 1 người đăng ký quá nhiều sim. Hiện nay các mạng di động đều đang tiến hành rà soát lại thông tin thuê bao trả trước đã khai báo trên hệ thống mạng của mình.

Các loại sim ĐTDĐ được bán rộng rãi trên thị trường
Các loại sim ĐTDĐ được bán rộng rãi trên thị trường

Và sau khi thông tư 22 của Bộ Thông tin Truyền thông đi vào cuộc sống, các nhà mạng đã xiết chặt lại hoạt động của các đại lý, tuân thủ đúng quy định, mỗi người chỉ được sử dụng 3 sim/1 mạng và phải tiến hành khai báo nhân thân. Mặc dù việc làm này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh doanh của các nhà mạng nhưng đó vẫn là việc cần phải làm. Viettel là hãng đi tiên phong với việc dừng hoạt động của các sim đa năng, cắt hợp đồng, phạt đối với các trường hợp vi phạm, mỗi sim 10.000 đồng. Tính đến tháng 9, tổng số tiền mà hãng phạt với các chủ sim là trên 4,75 tỷ đồng.

VinaPhone cũng công bố 4.836 điểm bán hàng trong tổng số 20.000 cửa hàng đại lý của hãng đã bị cắt hợp đồng vì vi phạm các quy định về quản lý thuê bao trả trước. Số lượng điểm bán hàng bị hủy hợp đồng của MobiFone cũng tương đương. Ông Nguyễn Đình Chiến - Trưởng phòng kế hoạch bán hàng của MobiFone cho hay hãng đang tiến hành rà soát trên 40.000 cửa hàng đại lý để phát hiện và xử lý các thông tin “ma”, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, Thanh tra Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các Sở TT&TT tiến hành tổng kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Hiện tất cả các Sở TT&TT đang tiến hành thanh kiểm tra rầm rộ để xiết chặt việc quản lý trên diện rộng. Cũng theo ông Hùng, ngoài việc các mạng di động tự rà soát và xử lý các đại lý vi phạm quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, thì các Sở TT&TT cũng sẽ kiểm tra và ra quyết định xử phạt các đại lý này.

Nghị định 50/CP/209/NĐ-CP quy định, nếu các đại lý sử dụng thông tin trên giấy chứng minh nhân dân, chứng minh thư quân đội và công an hoặc hộ chiếu của người này để đăng ký thông tin cho người khác sẽ bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng. Trong trường hợp các chủ điểm giao dịch không thực hiện quy trình tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có thể bị phạt từ 5-8 triệu đồng. Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.

Có thể nói động thái này của các nhà mạng là một sự nỗ lực để ngăn chặn sự phát triển như vũ bão của các loại sim “rác”, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tình hình an ninh trật tự của một bộ phận không nhỏ người dân như các phương tiện truyền thông đã đề cập. Song, cùng với triệt để xử lý những vi phạm của các đại lý thì các nhà mạng cũng nên giảm đi việc cung cấp các kiểu sim khuyến mại. Có như vậy, người có thú sử dụng sim “rác” sẽ không còn thấy rẻ mà lao vào.

Châu Anh