Cần mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Cần mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Hiện "vướng" là do ta không tin nhau nên đặt ra nhiều quy định", đại biểu Quốc hội Lê Tiến Châu (đoàn Hậu Giang) nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ...

Sáng 24-7, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phân bổ 2,87 triệu tỷ đồng giai đoạn 2021-2025

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Giải ngân chậm: Vì sao, giải pháp nào?

Phát biểu thảo luận tại tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng thời gian qua với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2020, nhiều công trình trọng điểm đã được triển khai xây dựng.

Tuy nhiên hạn chế là việc bố trí vốn còn dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch trong 5 năm.

Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) chỉ ra, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; ảnh hưởng huy động vốn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trước các nhà tài trợ khi có tiền mà không tiêu được trong khi vẫn phải trả lãi vay.

“Nếu để kéo dài, không khắc phục được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công trung hạn trong giai đoạn sắp tới”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Tiến Châu (đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Lê Tiến Châu (đoàn Hậu Giang)

Theo đại biểu Lê Tiến Châu (đoàn Hậu Giang), giải ngân vốn đầu tư công chậm là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà chưa có giải pháp khắc phục.

“Nguyên nhân thật ra ai cũng biết, vướng từ quy định pháp luật, về trình tự rườm rà… có thể bỏ được nhưng ta không bỏ”, ông Lê Tiến Châu nói và đề nghị "mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân".

“Hiện vướng là do ta không tin nhau nên đặt ra nhiều quy định”, đại biểu đoàn Hậu Giang nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn Tây Ninh) cho biết qua theo dõi 2 nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ càng đốc thúc nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Ông đề nghị xem lại cách lập kế hoạch đầu tư, cách thức thực hiện, giám sát, chế tài…

“Các đại biểu giám sát xong rất buồn bởi công trình thì dở dang, không đưa vào sử dụng được, rất lãng phí, trong khi tiền để trong két. Quốc hội, Chính phủ và từng đơn vị cần giải đáp những trăn trở, băn khoăn của đại biểu, người dân. Chứ để tình trạng này kéo dài sẽ rất lãng phí”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến nói.