Cần liều thuốc cắt cơn hoảng loạn chứng khoán Trung Quốc

ANTĐ - Trong một động thái cho thấy sự bối rối và bế tắc, tối 7-1, Trung Quốc thông báo sẽ ngừng áp dụng cơ chế “tự ngắt” trên thị trường chứng khoán, vốn vừa mới có hiệu lực trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016.

Cần liều thuốc cắt cơn hoảng loạn chứng khoán Trung Quốc ảnh 1

Tâm lý lo lắng hiện rõ trên mặt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Theo cơ chế này, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ bị ngừng trong vòng 15 phút khi chỉ số Hushen 300 - chỉ số phản ánh hoạt động của hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, tăng hoặc giảm khoảng 5% trước 14h45. Nếu chỉ số này giảm hơn 7% sau khi hoạt động giao dịch được nối lại,  thị trường chứng khoán đóng cửa luôn trong ngày.

Khi công bố “thiết bị ngắt mạch” mới này vào tháng 12, cơ quan chức năng Trung Quốc nói thiết bị sẽ giúp thị trường chứng khoán “hạ nhiệt để ngăn sự lan rộng của tâm lý hoảng loạn”. Thế nhưng, chỉ sau 2 lần áp dụng vào ngày 4 và 7-1 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải “đóng mạch” trở lại. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Deng Ke cho biết, cơ chế này hiện gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn là tác động tích cực. Do vậy, CSRC quyết định ngừng cơ chế “tự ngắt” để duy trì thị trường ổn định.

Tuyên bố như vậy nhưng chắc CSRC cũng không dám tin rằng tình hình sẽ ổn định trở lại, bởi gốc rễ cơn biến động tích tụ đã lâu. Theo phân tích của tờ Thời báo kinh tế Ấn Độ, có tới 5 nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị sức ép mạnh như vậy. Nghiêm trọng nhất là khuyến cáo về nguy cơ xuất hiện cuộc “khủng hoảng tài chính” tại Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn, thu nhập của các công ty thấp hơn và nguy cơ về cuộc khủng hoảng tài chính sẽ cao hơn.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng chuyển hướng nền kinh tế sang tiêu dùng nội địa và giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu đồng thời đầu tư vào đường sá, nhà máy và bất động sản. Tuy nhiên, sự chuyển hướng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi kỳ vọng còn chưa thấy thì tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,9% trong quý III năm 2015 - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Chưa dừng ở đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey đưa ra cho thấy, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nước có tổng số nợ quốc gia lớn nhất. Theo đó, tổng số nợ của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại khoảng gần 30 nghìn tỷ USD, tương đương 282% GDP so với 269% GDP của Mỹ hay 258% GDP của Đức. Bản báo cáo này cảnh báo rằng, nếu như Trung Quốc vẫn để tình trạng như vậy thì tổng mức nợ quốc gia của nước này có thể đạt đến 400% GDP vào năm 2018 - một mức nợ khổng lồ gần như chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng trước năm 2020.

Không chỉ ảnh hưởng với Trung Quốc, sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tác động xấu đến chứng khoán trên thế giới. Kể từ khi mở cửa trở lại sau dịp nghỉ Giáng sinh và Năm mới 2016, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã rớt giá mạnh trước những quan ngại mới về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng như về khả năng thị trường tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Tình trạng đình trệ kéo dài của kinh tế Trung Quốc cũng đang gây thiệt hại khổng lồ cho các quốc gia vốn lâu nay xuất khẩu nguyên liệu cho Trung Quốc như dầu, đồng, sắt... Hiện Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% lượng sắt quặng của thế giới. Sự đình trệ của Trung Quốc đã kéo nền kinh tế Australia, Brazil và Malaysia cùng nhiều nền kinh tế khác vào tình trạng khốn đốn. Nếu không cắt được cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, kinh tế thế giới sẽ còn có những biến động phức tạp.