Đưa người nghiện đi cai bắt buộc:

Cần làm sớm, làm ngay để giải quyết bức xúc của xã hội

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài viết: “Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ về công tác cai nghiện ma túy” cùng kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội về việc “Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, đã có nhiều phản hồi tích cực từ phía đại biểu Quốc hội và cử tri, cho rằng nên tiếp tục thực hiện quy định đưa người nghiện đi cai bắt buộc và Quốc hội nên có một Nghị quyết, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay trong.

“Quốc hội nên có Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn”: Đó là ý kiến của bà Bùi Thị An, ĐBQH TP Hà Nội khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ xung quanh việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc .

Cần làm sớm, làm ngay để giải quyết bức xúc của xã hội ảnh 1

- PV: Quốc hội (QH) có nên ra một Nghị quyết dừng việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc và tiếp tục cho thực hiện quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002?

- ĐB Bùi Thị An: Tôi đã đề nghị ngay từ đầu kỳ họp thứ tám này, QH nên xem xét vấn đề đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc thật thấu đáo. Vì ma túy là tệ nạn gây bức xúc cho xã hội và người nghiện chưa được đi tập trung cai nghiện gây ra những hậu quả khôn lường. Đa số những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra đều do các đối tượng nghiện ma túy, nhất là ma túy “đá”. Tôi đồng tình với việc QH nên có một Nghị quyết, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Nên dừng việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, tiếp tục cho thực hiện các quy định về lĩnh vực này tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

- Với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đã có trong danh sách quản lý người nghiện của địa phương, có nên lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc ngay?

- Vấn đề này cần phải thận trọng. Bởi, trong số đối tượng nghiện ma túy cũng có người cai được và nên xem xét thực tế mức độ người ta nghiện đến đâu để  đưa ra quyết định phù hợp.

- Với người người sử dụng trái phép chất ma túy lang thang không có nơi cư trú nhất định, có nên đưa vào lưu trú tạm thời tại các Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội cấp tỉnh, trong quá trình chờ lập hồ sơ và tòa án xem xét, quyết định không, thưa bà?

- Tôi đồng ý, vì như vậy sẽ quản lý được chặt chẽ các đối tượng nghiện ma túy lang thang, tránh gây hậu quả xấu. Ngoài ra, vấn đề chính là phải triệt tận gốc nạn buôn bán trái phép các chất ma túy. Các lực lượng chức năng phải tập trung đánh trúng, đánh mạnh các đường dây, ổ nhóm tội phạm tổ chức vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt, cần quản lý chặt  khu vực biên giới, tránh để tình trạng ma túy thẩm lậu vào nội địa. Đối với các đối tượng phạm tội, cần xử lý nghiêm khắc. Các địa phương cũng cần quản lý chặt địa bàn, không để tội phạm ma túy len lỏi hoạt động. Mặt khác, cần phải có chế tài xử lý nặng hơn đối với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, để nâng cao tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng. 

Cần làm sớm, làm ngay để giải quyết bức xúc của xã hội ảnh 2Cai nghiện bắt buộc cũng là tạo cơ hội cho người nghiện làm lại cuộc đời

ĐB Nguyễn Thị Khá, ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:

“Tôi ủng hộ đề nghị đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc của TP.HCM và kiến nghị của ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội. Nếu QH chấp thuận thì sau đó có thể nhân rộng cách làm này ra cả nước nếu địa phương nào có nhu cầu. Đó là cách giải quyết bức xúc của xã hội. Làm theo đề nghị này không những bảo vệ sức khỏe của chính người nghiện, sự an toàn cho chính gia đình họ mà còn cho xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh đến góc độ đưa người nghiện đi cai bắt buộc cũng sẽ giúp họ học nghề, tạo công ăn việc làm cho họ, có nơi ở ổn định, từ đó hạn chế bớt tệ nạn xã hội. 

Còn đối với Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014 vừa qua, tôi cho rằng khi thực tế cuộc sống có những vấn đề bức xúc liên quan đến con người, thì cơ quan soạn thảo có thể sửa đổi. Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm đầu não của cả nước nhưng lại có số lượng người nghiện rất lớn nên tôi cho rằng QH nên có những sửa đổi để phù hợp. Nếu không có những chính sách phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân, hơn nữa là môi trường đầu tư của các thành phố này”. Phú Khánh (Ghi)

Rất cần thiết, giảm nỗi lo cho cộng đồng

Nhà tôi ở gần ngõ chợ Khâm Thiên, phố Khâm Thiên và đường Lê Duẩn. Nhiều năm trước, chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh người nghiện hút “phê” ma túy ngay bên đường. Khu vực này cũng từng “nóng” về hiện tượng mua bán trái phép chất ma túy. Mấy năm trở lại đây, hiện tượng này đã không còn nữa. Tình hình an ninh trật tự quanh khu vực đó cũng bớt phức tạp. Tôi cho rằng, đây chính là hiệu ứng rõ nét nhất của công tác quản lý đối với người nghiện.

Tôi và nhiều người dân rất đồng tình với quan điểm mà ĐBQH Nguyễn Đức Chung nêu ra, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, được đăng tải trên Báo ANTĐ số ra ngày 4-11; đó là “Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng”. Đa số người nghiện đều không nghề nghiệp, có mối quan hệ phức tạp, khi bị lệ thuộc vào ma túy, bị đánh mất lý trí bởi ma túy sẽ gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tôi được biết, đã có nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xuất phát từ ma túy và liên quan đến người nghiện. Đưa người nghiện đi cai bắt buộc là chủ trương rất cần thiết để giảm nỗi lo cho cộng đồng. Việc này cần làm sớm.

(Ông Nguyễn Trung Thành, 58 tuổi, trú ở phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)

Tính nhân văn của một chủ trương quyết liệt

Tôi cho rằng một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ làm công tác quản lý chưa nhận thức được rằng, việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc không chỉ tốt cho công tác phòng ngừa xã hội, mà còn tốt cho chính người nghiện. Bởi, nếu coi nghiện ma túy là một bệnh thì việc đi cai chính là đang chữa bệnh cho người nghiện. Đây là tính nhân văn, nhân đạo của việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc.

Ở cấp cơ sở, người dân chúng tôi khi trao đổi với cán bộ chức năng, được biết đang có nhiều điều “vướng” để đưa được 1 người nghiện ma túy đi cai bắt buộc. Tôi cho rằng, như thế sẽ ảnh hưởng đến công tác và quyết tâm quản lý, giúp người nghiện ma túy khỏi bệnh của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Nên có sự đánh giá khách quan, lắng nghe ý kiến đóng góp ở nhiều địa phương, từ phía các nhà làm luật, để thay đổi, điều chỉnh quy định phù hợp với yêu cầu thực tế.

(Ông Phạm Thanh Giang, 62 tuổi, trú tại tổ dân phố 9, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm)