Cần làm rõ trách nhiệm tái cơ cấu chậm

ANTĐ - Ngày 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Cần làm rõ trách nhiệm tái cơ cấu chậm ảnh 1 Tái cơ cấu kinh tế ở nhiều lĩnh vực còn chưa đạt yêu cầu (Ảnh minh họa)

Chưa có đột phá

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá toàn diện tình hình tái cơ cấu nền kinh tế sau 3 năm thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: “Nhìn tổng thể 3 năm, các cân đối lớn của nền kinh tế đã đạt kết quả tích cực hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì, cơ cấu kinh tế có chuyển biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được giữ ở mức thấp, cán cân thương mại có cải thiện”.

“Quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc đạt được mục tiêu hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn. Kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá.

Báo cáo giám sát cho thấy, tái cơ cấu ở nhiều lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, chưa có đột phá và còn nhiều việc phải làm. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Tuy nhiên, quy định về đầu tư công còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra: “Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với yêu cầu”.

Phải mạnh mẽ và thẳng thắn hơn

Đa số đại biểu đánh giá cao báo cáo giám sát. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nhiều nội dung báo cáo giám sát chưa phân tích rõ kết quả quá trình thực hiện đề án. Nhiều nội dung còn trùng lắp và chưa phân biệt rõ với báo cáo tình hình kinh tế xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình có liên quan đến thể chế. Báo cáo phải chỉ ra được thể chế nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp và tại sao. “Trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mô hình tập đoàn đã được thí điểm trong rất nhiều năm với Vinashin, Vinalines… những “xương sống của nền kinh tế”, trong khi khung pháp lý chỉ là một văn bản ở dạng quyết định thí điểm”, ông Nguyễn Đình Quyền nêu ví dụ. Ông Nguyễn Đình Quyền cũng chỉ ra rằng: “Cái thiếu của báo cáo giám sát tái cơ cấu lần này là “trách nhiệm”. Đại biểu Quốc hội muốn nghe vấn đề đầu tiên là trách nhiệm. Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, Quốc hội, bộ, ngành địa phương đến đâu khi nhiều mô hình không đi vào cuộc sống”.

Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Cần chỉ ra trách nhiệm trong việc chậm tái cơ cấu, chậm ban hành chính sách, trong việc không thực hiện, thực hiện không hiệu quả”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bức xúc: “Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm. Vì thế, báo cáo giám sát của Quốc hội về vấn đề này cần phải mạnh mẽ và thẳng thắn hơn. “Chúng ta nên bỏ công thức viết là cơ bản tán thành với báo cáo giám sát. Theo đó, phải làm rõ nguyên nhân và mục tiêu tập trung tái cơ cấu từ nay đến 2015 đạt đến đâu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.