Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện cách ly

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều 24-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu chúng ta chủ quan lơ là trong biện pháp phòng chống dịch

Nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu chúng ta chủ quan lơ là trong biện pháp phòng chống dịch

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã qua 22 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; 1.069 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 412 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước. 35 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng; 989 bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện, hiện còn 41 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, trên cơ sở nhận định diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, các thành viên Ban chỉ đạo xác định các nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, trích dẫn cảnh báo của chuyên gia quốc tế, các ý kiến cho rằng cần cảnh giác nguồn bệnh có sẵn trong cộng đồng cũng như một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Phân tích đợt chống dịch tại Đà Nẵng thời gian qua, các ý kiến cho rằng cần lưu ý bài học khi để dịch bệnh xâm nhập nơi “xung yếu của xung yếu” - các khoa có bệnh nhân nặng của bệnh viện. Khi dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện nhưng không phát hiện kịp thời do không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Khoảng 2 tuần sau đó mới phát hiện (khoảng từ 7 đến 23-7) khiến dịch lây nhanh trong các khoa bệnh nặng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, quy định cách ly tại khách sạn thực hiện còn lỏng lẻo ở khâu đón người từ sân bay đến cơ sở cách ly. Trong khi đó, Bộ VH-TT&DL quyết định các khách sạn đủ điều kiện làm cơ sở cách ly nhưng chưa có lực lượng cùng điều hành, kiểm tra, giám sát. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện cách ly, đặc biệt trong thời gian tới khi mở cửa các đường bay thương mại quốc tế.

Từ những nhận định nêu trên, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chủ yếu trên đường bộ; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh hợp pháp. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Bên cạnh biện pháp mang tính khuyến nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh cần có quy định mang tính bắt buộc trong phòng, chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt việc thực hiện phân luồng trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể trường hợp xét nghiệm khi nghi mắc Covid-19.

Bộ Y tế tăng cường, đổi mới các phương án xét nghiệm; tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.