Cần làm rõ đối tượng được hưởng lợi từ việc tăng viện phí

ANTĐ - Khi viện phí tăng, người có bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng nhiều, vậy những người nghèo, không có điều kiện đóng bảo hiểm y tế sẽ chịu tác động mạnh nhất.

Khoa khám bệnh tại các bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải


- PV: Giáo sư suy nghĩ thế nào về dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế được dư luận quan tâm những ngày qua?


- GS. Văn Như Cương:
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá mạnh. Giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu được đề xuất điều chỉnh tăng từ 6.000-25.000 đồng/lần khám (tùy theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa). Đối với giường điều trị nội trú, dự kiến mức điều chỉnh cho một ngày/giường bệnh ở tuyến xã sẽ từ 10.000 - 15.000 đồng… Bộ Y tế cho rằng việc tăng viện phí ở thời điểm này là rất cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa bởi giá thu viện phí hiện nay quá thấp, trong khi đó kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, đảm bảo chất lượng dịch vụ ngày càng cao nên nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn phương thức sử dụng làm chi phí tăng lên nhiều.

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 60% dân số đã có thẻ BHYT, nếu không điều chỉnh viện phí thì các bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện việc khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh BHYT. Việc thanh toán với mức thấp khiến người bệnh phải đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi người bệnh. Những lý giải này nghe qua có vẻ có lý, song cá nhân tôi vẫn rất băn khoăn. Khi viện phí tăng, người có bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng nhiều, vậy những người nghèo, không có điều kiện đóng bảo hiểm y tế sẽ chịu tác động mạnh nhất.


-  Giáo sư đánh giá thế nào về chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện hiện nay?


- GS. Văn Như Cương:
Trước đây tôi có đến bệnh viện khám và điều trị tại bệnh viện song gần đây không dám đi nữa mà mời bác sỹ đến khám tại nhà vì “sợ” phải chen lấn, chờ đợi, “sợ” bị nhân viên y tế mắng: Theo đánh giá của những người thân trong gia đình tôi, chất lượng phục vụ tại các bệnh viện ngày càng giảm sút. Hầu như đến công đoạn nào, bệnh nhân cũng phải “dúi” tiền cho y tá, bác sỹ vì lo sợ sẽ không được thăm khám, tư vấn nhiệt tình. Điều đáng nói là nếu như ở các bệnh viện tư, các khoản thu đều được công khai, minh bạch, bệnh nhân chỉ việc nộp tiền và chờ đến lượt để được phục vụ. Còn ở một số bệnh viện công, bệnh nhân không những khổ sở vì đau ốm mà còn phải đau đầu vì không biết phải bồi dưỡng bác sỹ bao nhiêu tiền, bao nhiêu là đủ. Điều đó cho thấy chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ, dịch vụ y tế hiện nay là quá kém.

- Vậy Giáo sư có cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có phải là do viện phí quá thấp?

- GS. Văn Như Cương: Viện phí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cấp, thay mới các trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh trong bệnh viện. Còn chất lượng điều trị cho người bệnh không chỉ là trang thiết bị y tế mà còn là cách ứng xử, thái độ làm việc của nhân viên y tế. Nếu bác sỹ có tâm huyết với nghề, họ có thể khắc phục mọi khó khăn để phục vụ nhân dân tốt nhất. Vào thời điểm đất nước còn khó khăn, chiến tranh liên miên, ở các chiến trường, trang thiết bị thiếu thốn đủ đường, hoàn toàn không có chuyện bồi dưỡng, lo lót, vậy mà các bác sỹ, y tá vẫn hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Điều này khẳng định một điều trong ngành y, y đức luôn là vấn đề quan trọng nhất và phải được quan tâm hàng đầu.

- Theo Giáo sư, điều quan trọng nhất khi quyết định tăng viện phí, cơ quan chức năng cần xem xét đến vấn đề gì?

- GS. Văn Như Cương: Hiện vẫn có nhiều người có băn khoăn giống như tôi, rằng tăng viện phí thì chất lượng dịch vụ có tăng không? Và cả y đức của đội ngũ cán bộ ngành y? Vì vậy, trước hết, nên có một sự cải thiện đáng kể về y đức đã. Bên cạnh đó, câu hỏi tăng làm gì, ai được lợi từ vấn đề này cũng cần được làm rõ. Theo tôi, điều cơ bản nhất cần được xem xét là lợi ích cho người dân, ngay cả việc tăng lương cho các y, bác sỹ cũng là để họ có cuộc sống ổn định hơn nhằm chăm sóc cho bệnh nhân được tốt hơn. Cần đảm bảo là khi tăng viện phí, người dân có thu nhập thấp nhất không bị ảnh hưởng nhiều mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn đảm bảo. Khi tăng viện phí phải minh bạch số tiền tăng lên là bao nhiêu, dùng để làm gì. Có như vậy chất lượng khám chữa bệnh mới dần được cải thiện.

BHXH đề nghị tăng mức đóng BHYT lên 6%

Trao đổi với báo chí ngày 16-9 quanh vấn đề Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tăng viện phí, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, năm 2010 Quỹ BHYT đã được cân đối thu-chi và với mức viện phí như hiện nay thì năm 2011 cũng có khả năng cân đối được. Tuy nhiên, nếu tăng viện phí thì với mức đóng BHYT hiện nay, quỹ BHYT sẽ không thể chi trả nổi, do đó nếu Chính phủ quy định giá viện phí mới thì phải tăng mức đóng BHYT lên 6% mới đảm bảo cân đối quỹ BHYT.

Trước đó, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng, với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của quỹ BHYT mỗi năm thêm từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng. Theo lộ trình thực hiện BHYT, mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu cũng đang được tính đến. Khi đó, mức đóng của đối tượng công chức sẽ tăng thêm khoảng 11% so với mức đóng hiện tại, mức đóng với đối tượng cận nghèo sẽ tăng từ 430.000 đồng lên 450.000 đồng/năm.