Cần lắm những hình ảnh đẹp

ANTĐ - “Chưa bao giờ giải thưởng Fair-play lại tìm thấy ít hình ảnh đẹp và bị che khuất bởi nhiều hình ảnh xấu đến như vậy!”, ông Trần Song Hải - Thành viên Hội đồng thẩm định kiêm nhà đồng tài trợ, vừa lên tiếng sau khi dự cuộc họp chốt lại 5 đề cử cho giải thưởng Fair-play 2015.

Cần lắm những hình ảnh đẹp ảnh 1Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những hình ảnh đẹp. Ảnh: BẢO LÂM

So bó đũa, chọn cột cờ 

Khác với hình ảnh đau đầu cân nhắc các đề cử rất nặng ký như ở mùa trước, năm nay, ban tổ chức phải “đốt đuốc” để đi tìm các đề cử. Và cuộc họp mới đây, Hội đồng thẩm định đã chốt lại 5 đề cử tiêu biểu nhất, gồm: Món quà bất ngờ của các tuyển thủ U23 Việt Nam dành cho người đồng đội kém may mắn Huỳnh Tấn Tài; CĐV Hải Phòng phản ứng thái độ thi đấu thiếu trung thực của đội nhà trong trận thua Cần Thơ; Tiền đạo Abass Dieng (Bình Dương) tha thứ và động viên ngược lại Dương Thanh Hào sau khi bị đồng nghiệp này phạm lỗi làm gãy chân; Nữ CĐV Hoàng Yến với hình ảnh đầy nhiệt huyết, luôn đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động của Hội CĐV VFS; Cầu thủ Công Phượng thi đấu hết mình, trung thực, dũng cảm và có hành động hiếu thảo khi năn nỉ BTC giải U21 Quốc tế cho một lần được lĩnh giải thưởng cùng cha.

Thẳng thắn mà nói, cả 5 đề cử năm nay đều không “nặng ký” bằng giải nhất Fair-play mùa trước: U19 Việt Nam tạo ra vô số hình ảnh đẹp cùng sức lan tỏa của nó với xã hội. Thế nhưng, với mong muốn “lấy hoa thơm đẩy lùi cỏ dại”, Ban tổ chức cùng Hội đồng thẩm định vẫn cố gắng tìm ra những hình ảnh đẹp để tôn vinh. Và trong đêm gala giải thưởng (diễn ra vào 24-2 tới, tại TP.HCM), “bông hoa” được vinh danh có thể chưa “thơm” như U19 mùa trước, nhưng sẽ phần nào giúp an ủi cho nền bóng đá sau một năm chứng kiến quá nhiều hình ảnh, câu chuyện xấu xí.

Trách nhiệm với cộng đồng

Bóng đá hơn hẳn các bộ môn khác về sự quan tâm lẫn đầu tư của người hâm mộ, của doanh nghiệp. Một cầu thủ sau một vài trận đá hay, đá đẹp có thể được rất nhiều người thần tượng, thậm chí trở thành hình mẫu lý tưởng cho giới trẻ. Và vì thế, bên cạnh việc tiếp tục tạo ra những hình ảnh đẹp trên sân cỏ, cầu thủ đó còn phải tự ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, trên cương vị “người của công chúng”. 

Không ít người tỏ ra thất vọng khi hiện nay, rất nhiều cầu thủ trẻ mới có chút danh hiệu, mới được báo chí tung hô một vài trận đấu đã vội tỏ ra tự mãn. Thay vì tu dưỡng bản thân, nhiều cầu thủ tự hạ thấp giá trị của mình, điển hình như chuyện một tiền đạo nọ, trên ĐTQG thì hay bị ví như “chân gỗ”, ít được chú ý, nhưng cái tên ấy lại rất nổi trong làng giải trí Việt bởi vô số scandal tình ái với cả tá người đẹp. Nó khác rất xa với việc nhiều đồng nghiệp âm thầm đứng ra tổ chức hoặc tham gia các trận đấu bóng từ thiện để giúp đồng bào, đồng nghiệp hoàn cảnh khó khăn; cũng như việc nhiều đội bóng thường xuyên có các đợt tặng quà Tết cho người nghèo để cầu thủ gần gũi hơn với cộng đồng. Hơn ai hết, họ là những người hiểu được giá trị của việc kết nối bóng đá với cộng đồng – nơi cũng chính là bệ phóng giúp cầu thủ nổi tiếng, giúp đội bóng ăn nên làm ra.