Cần làm gì để ngăn chặn những hành động tiêu cực chốn công đường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây tại TP Đà Nẵng, một Giám đốc công ty bất động sản đã tự tử ngay khi tòa vừa tuyên án do bức xúc cho rằng tòa thiếu công tâm trong quá trình xét xử. Đáng buồn đây không phải sự việc hi hữu.

Hàng loạt các vụ đương sự, bị cáo tự tử tại tòa

Ngày 8-12 vừa qua, TAND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã tuyên án sơ thẩm vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường hợp đồng” giữa 2 công ty là Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) và Công ty TNHH MTV Hà Hải Land.

Tại phiên xét xử, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Sudico, đồng ý chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất giữa 2 công ty đối với 2 lô đất tại khu đô thị mới Hòa Hải 1-3 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

HĐXX cũng tuyên bác bỏ yêu cầu khởi kiện đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 2 lô đất nêu trên của Hà Hải Land, bác các yêu cầu đòi Sudico bồi thường thiệt hại cho Hà Hải Land.

Giám đốc công ty bất động sản Hà Hải Land đã uống thuốc tự tử khi toà vừa tuyên án

Giám đốc công ty bất động sản Hà Hải Land đã uống thuốc tự tử khi toà vừa tuyên án

Cho rằng tòa thiếu công tâm trong quá trình xét xử, bỏ qua nhiều giấy tờ quan trọng mà phía Hà Hải Land cung cấp, ông Võ Văn Cường (Giám đốc Công ty Hà Hải) đã lấy trong túi áo 1 chai thuốc diệt côn trùng, mở nắp và uống để tự tử. Sau đó ông này được lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ Tư pháp tại phiên tòa cùng người nhà đưa đi cấp cứu.

Còn tại tỉnh Bình Phước, liên quan đến vụ án tai nạn giao thông xảy ra tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), trong phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lương Hữu Phước 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Sau đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở. Tới phiên xét xử lần 2, ông Phước tiếp tục bị toà án tuyên 3 năm tù giam, với nội dung qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn. Sau khi nghe tòa tuyên án, ông Phước đã nhảy lầu tự tử.

Tương tự, cũng tại tỉnh Bình Phước đã xảy ra vụ uống thuốc đòi tự tử tại tòa. Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX- TAND tỉnh Bình Phước nhận định, cấp sơ thẩm tuyên phạt mức 2 năm 6 tháng là phù hợp, song việc cho bị cáo hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo mà phải xử hình phạt tù giam.

Do đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hào 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, bị cáo Hào đã quay lại TAND tỉnh Bình Phước và có hành vi uống thuốc đòi tự tử nhưng được mọi người cứu sống.

Làm thế nào để giảm các vụ tự tử tại tòa án?

Việc đương sự tự tử, dọa tự tử tại trụ sở tòa án cho thấy niềm tin của một bộ phận người dân đã giảm sút, đặc biệt là sau khi đương sự tự tử, dọa tự tử thì kết quả bản án, quyết định đó đã bị thay đổi bởi tòa án cấp trên. Nhiều người đặt câu hỏi nếu họ không phản ứng tiêu cực như vậy thì liệu bản án có được thay đổi để đảm bảo công bằng - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu vấn đề.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, có nhiều cách để phản đối bản án, quyết định của tòa án như kháng cáo, khiếu nại, tố cáo… Còn việc tấn công lại lực lượng thi hành công vụ, các đương sự khác hoặc tự tử là phản ứng tiêu cực, không được khuyến khích và gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Theo quy định hiện hành, tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý. Các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ tòa án để thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ công lý.

Về nguyên tắc, một bản án trước tiên phải đòi hỏi đúng luật. Song, một bản án có ý nghĩa là một bản án thấu tình, đạt lý, có tính khả thi, có tính giáo dục và công bằng. Ngược lại, một bản án trái luật, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực là nguyên nhân nảy sinh các phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Qua những vụ việc đương sự, bị cáo tự tử tại tòa, hệ thống tòa án cần nhanh chóng kiểm tra, chấn chỉnh, xem xét lại công tác cán bộ, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ sai phạm - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng, những người tham gia tố tụng cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đúng quy trình, có biện pháp kịp thời ngăn chặn những hành động tiêu cực.