Cần kiên định nhất quán

ANTĐ - Thời gian còn lại của năm 2013 chỉ còn đúng một phần tư chặng đường, nhưng theo quy luật, đây là thời gian lạm phát, tăng trưởng rất khó lường. Từ tháng 8 và tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng cao trở lại và có thể còn tiếp tục tăng cao vào những tháng cuối năm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng cùng với giá vàng và USD luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng, nhà sản xuất kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách.

Theo phân tích của giới chuyên gia, xu hướng CPI tăng cao vào cuối năm, không phải chủ yếu và trực tiếp từ mất cân đối cung - cầu, mà chủ yếu và trực tiếp từ các yếu tố phi kinh tế. Ngay từ tháng 1, việc tăng giá dịch vụ y tế đã làm cho giá nhóm này tăng tới 78% so với cùng kỳ, góp phần làm CPI tháng 1 tăng 7,07% so với tháng 1-2012. Đến tháng 4, giá dịch vụ y tế ở một số địa phương lại tăng 4,51%, giá xăng dầu tăng lần thứ nhất làm cho giá dịch vụ giao thông tăng 1,2%. Tháng 6 và 7, giá xăng tăng 2 lần, giá điện tăng, giá dịch vụ y tế tăng làm cho CPI tháng 8 của Hà Nội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trên phạm vi cả nước, giá xăng dầu tăng làm cho giá giao thông tăng 1,34%. Do giá điện, xăng dầu, gas tăng nên giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8 tăng 0,88%. Thực hiện lộ trình giá thị trường là tất yếu và đúng hướng, song nếu sự điều chỉnh không cẩn trọng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Các động thái trên sẽ trực tiếp làm cho giá của những hàng hóa, dịch vụ này tăng trực tiếp, đồng thời gián tiếp làm tăng giá của những hàng hóa, dịch vụ khác theo tác động dây chuyền. Tại cuộc hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”, một câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao nền kinh tế nước ta bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế chậm hơn các nước trong khu vực? Mặc dù nhiều chỉ số kinh tế đã bước đầu ổn định, song dường như vẫn chưa đẩy lùi nỗi lo tăng trưởng thấp với những cảnh báo còn ẩn chứa rủi ro. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, nước ta vẫn phải kiên trì, nhất quán, không vì áp lực nào mà né tránh hay làm méo mó mục tiêu đã được xác định là phục hồi, ổn định và tái cấu trúc. Phục hồi không nên quá vội vã mà phải ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô và dồn sức cho tăng trưởng. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm nay đến thời điểm này dưới tác động của suy thoái kinh tế thế giới đã bộc lộ ngày càng rõ. Nước ta phải đánh đổi rất lớn giữa tăng trưởng và lạm phát. Kiềm chế lạm phát đòi hỏi sự kiên định, nhất quán; tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có xung lực mới. Nếu kết hợp không khéo, hoặc được mục tiêu này lại không đạt được mục tiêu kia.