Chống trộm cắp trà trộn trong các hội nghị, hội thảo:

Cần kiểm soát chặt chẽ thành phần khách mời

ANTĐ - Báo ANTĐ đăng bài viết về vụ việc CAQ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Luyện Hoàng Kim (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) - đối tượng thường đóng vai đại biểu vào dự các hội nghị để trộm cắp tài sản. Trao đổi về vụ việc này, đại diện một số đơn vị tổ chức sự kiện, khách sạn lớn ở Hà Nội cho biết, để hạn chế rủi ro, khách mời cần nâng cao cảnh giác và Ban tổ chức cũng phải tăng cường các biện pháp an ninh.

Cần kiểm soát chặt chẽ thành phần khách mời ảnh 1Các hội thảo đông người trong khách sạn đang là mục tiêu
mà các đối tượng trộm cắp nhắm tới

Nếu nghi ngờ phải xác minh lại

Cách đây không lâu, nhiều vụ trộm táo tợn với thủ đoạn giả danh phóng viên hay đại biểu, ăn vận lịch sự rồi trà trộn vào các hội nghị, hội thảo để nhận quà, trộm cắp tài sản cũng đã bị phát hiện. Đối tượng thực hiện hành vi thường ăn vận lịch sự, chải chuốt, tự xưng là khách tới dự hội nghị nhưng... quên giấy mời rồi thản nhiên đi vào. Trong khi hội nghị đang diễn ra, lợi dụng lúc mọi người chăm chú lắng nghe, các đối tượng này tập trung quan sát và tìm cách tiếp cận những đại biểu mang theo cặp, túi xách hoặc những món đồ có giá trị như máy tính xách tay, điện thoại. Khi đến giờ giải lao hoặc chủ nhân của những món đồ ấy đi ra ngoài, đối tượng sẽ làm như “cầm nhầm” cặp của nạn nhân, mở và ngang nhiên lục lấy hết tiền và đồ đạc rồi nhanh chóng đánh bài “chuồn”. 

Chị Nguyễn Hồng Hạnh - Phụ trách PR - Công ty tổ chức sự kiện A.H cho biết, do công ty chuyên tổ chức sự kiện tại các khách sạn lớn nên đã không ít lần bắt gặp đối tượng giả danh khách mời để vào… nhận quà, thậm chí nhận quà nhiều lần. Thông thường khi được hỏi giấy mời, đối tượng này giả vờ quên, hoặc giải thích do đọc được thông tin quảng bá về hội nghị, thấy hội nghị bổ ích nên xin vào nghe. “Với những vị khách không mang theo giấy mời, chúng tôi sẽ đề nghị xem chứng minh nhân dân, hoặc giấy tờ tùy thân. Nếu thấy nghi ngờ chúng tôi sẽ gọi điện lại nơi họ công tác để xác minh”, chị Hạnh chia sẻ.

Cũng theo chị Hạnh, thực tế cho thấy, các khách mời, đại biểu thường chủ quan vì nghĩ rằng những khách sạn tổ chức hội thảo, hội nghị luôn an toàn về an ninh. Do đó, khi có việc ra ngoài nghe điện thoại hoặc vào giờ nghỉ giữa giờ, họ thường để lại cặp, túi xách tại vị trí họ ngồi. Sự mất cảnh giác này chính là thời cơ thuận lợi cho kẻ trộm cắp hoạt động. “Theo quan điểm của cá nhân tôi, nhằm hạn chế rủi ro, cách tốt nhất là mỗi người khi tham dự hội thảo không nên mang theo người những tài sản có giá trị” - chị Hạnh đưa ra lời khuyên.

Cảnh giác không thừa

Về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trong tổ chức hội thảo, ông  Nguyễn Văn Hiến - Trưởng bộ phận an ninh - Khách sạn Melia Hà Nội cho rằng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng đến khách sạn, vấn đề an ninh phải luôn được chú trọng. Trước tình trạng một số đối tượng đã cải trang để trà trộn vào một số hội nghị, hội thảo tại các khách sạn lớn với mục đích trộm cắp tài sản, bộ phận An ninh của khách sạn luôn có tinh thần cảnh giác cao với mọi đối tượng khả nghi, cảnh báo với đơn vị tổ chức hội thảo và hội nghị cũng như theo dõi, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. Nếu có tình huống không mong muốn diễn ra, ngay lập tức bộ phận An ninh sẽ vào cuộc, xử lý tại chỗ và báo cho cơ quan chức năng để có các biện pháp phù hợp, thỏa đáng. 

Việc truy tìm thủ phạm trộm cắp không đơn giản bởi hội nghị, hội thảo, tiệc chiêu đãi nào cũng đều rất đông người. Bên cạnh đó, hầu như sau khi kết thúc cuộc hội thảo, hội nghị thì người bị hại mới phát hiện bị mất tài sản, bảo vệ khách sạn khó có thể kiểm tra từng người tham dự để tìm tài sản bị mất. “Do vậy, khi có khách đến, bảo vệ cần yêu cầu để lại chứng minh nhân dân, thẻ hay giấy tờ tùy thân. Nếu thấy có nghi ngờ thì trực tiếp dẫn khách đến gặp bộ phận mà khách yêu cầu... Bên cạnh đó, ban tổ chức cần hợp tác với lực lượng An ninh trong khách sạn kiểm soát thành phần khách mời kỹ lưỡng để tránh các đối tượng khả nghi trà trộn”, ông Hiến khuyến cáo. 

Nhận diện thủ đoạn

Liên quan đến vụ việc đối tượng Luyện Hoàng Kim (SN 1981, HKTT tại ngách 22, ngõ 395 Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy) giả danh  khách mời trà trộn vào các hội nghị lớn tổ chức tại khách sạn gây ra hàng loạt các vụ trộm cắp, chiều qua 6-11, Trung tá Nguyễn Hữu Điển, Đội phó Đội CSHS CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, đối tượng khai nhận đã gây ra ít nhất 5 vụ trộm cắp tại các hội nghị được tổ chức ở khách sạn lớn trên địa bàn Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại, bởi ngoài quận Hoàn Kiếm, nhiều địa bàn khác cũng từng xảy ra những vụ việc tương tự và đến nay chưa xác định được đối tượng gây án.

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Điển, lâu nay, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức ở khách sạn lớn có rất nhiều “lỗ hổng” để đối tượng trộm cắp lợi dụng gây án. Cụ thể là khâu kiểm tra giấy mời khách tham dự của nhân viên lễ tân, tiếp đón phục vụ cho hội nghị, hội thảo không chặt chẽ. Chính vì vậy, chỉ cần sắm vai một “quý bà”, hay cán bộ cơ quan, đơn vị có uy tín nào đó là Luyện Hoàng Kim dễ dàng lọt vào và ngồi dự như những vị khách mời khác. 
Trung tá Nguyễn Hữu Điển khuyến cáo, các đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo cần phải phối hợp chặt chẽ hơn với khách sạn, đặc biệt là trong khâu đảm bảo an ninh. Đối với khách đến dự họp nhân viên lễ tân, đón tiếp phải kiểm tra giấy mời, hoặc những giấy tờ có liên quan trong phạm vi cho phép, để xác định chính xác danh tính người được mời vào tham dự. Trong trường hợp nghi vấn, cần nhanh chóng, khéo léo tìm cách xác nhận những thông tin mà vị “khách” đưa ra.

Bên cạnh đó, khách tham dự hội nghị cũng cần chú ý bảo quản, giữ gìn tài sản, đặc biệt kịp thời thông báo tới cơ quan công an, nhân viên bảo vệ khi nhận thấy đối tượng khả nghi, hoặc khi gặp sự cố, phát hiện bất thường. Về phía các khách sạn, khi phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo cho các đơn vị cần tăng cường lực lượng bảo vệ, và thông báo tới cơ quan chức năng biết để kịp thời phối hợp, xử lý khi cần thiết. Một lưu ý khác được cơ quan công an đưa ra là khi xảy ra sự việc khách dự hội thảo bị mất trộm tài sản, đơn vị tổ chức và khách sạn phải trình báo để cơ quan chức năng tổ chức điều tra và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, phát hiện. Quy luật hoạt động của loại tội phạm này cho thấy, chúng thường quay lại địa điểm cũ, khi những sơ hở chưa được “bịt”.