Cần, không có nghĩa là bất chấp cho tồn tại

ANTD.VN - Trong khi hệ thống trường mầm non công không đủ lấp kín những khoảng trống lớn, đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ ở các thành phố lớn, nhất là các khu công nghiệp với hàng nghìn người lao động, các cơ sở mầm non tư thục mọc lên đã góp phần không nhỏ giảm tải gánh nặng. 

Hơn thế, mầm non tư thục còn là lối thoát cho những gia đình trẻ neo người không biết chỗ gửi con nhỏ ở đâu để có thể yên tâm kiếm sống. Tuy nhiên, chính mạng lưới mầm non tư cũng bộc lộ mặt trái với những vụ việc bạo hành trẻ gây bức xúc, phẫn nộ dư luận xã hội thời gian gần đây.

Câu hỏi đặt ra là sau những vụ việc gây chấn động công luận, liệu cơ quan quản lý ngành giáo dục, chính quyền cấp phường, xã, quận có phát hiện ra những lỗ hổng trong việc cấp phép cho các điểm trông giữ trẻ, nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, cơ sở vật chất? Có nên đưa dịch vụ này vào hoạt động kinh doanh có điều kiện hay không, bởi không ít nơi cô giáo, nhân viên trông trẻ không hề được qua đào tạo, không bằng cấp. Điều kiện trường lớp, nơi ăn, chốn ở của trẻ chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu.

Chỉ khi những sự việc “động trời” xảy ra, đoàn kiểm tra liên ngành “kịp thời” vào cuộc mới “ngã ngửa” phát hiện ra và xử phạt. Thậm chí có những cơ sở trông giữ trẻ tư nhân vi phạm bị xử lý vài ba lần nhưng lại tiếp diễn, vẫn hoạt động như không có chuyện gì xảy ra. Chưa bàn tới chuyện chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe. Vấn đề cốt lõi là “hậu kiểm” có thường xuyên, chặt chẽ hay không.

Cấp phép xong không có nghĩa là hết trách nhiệm, thả nổi. Ngay cả lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các lớp học cũng chỉ là giải pháp phần ngọn, không thể quay được hết những góc khuất, nhất là góc tối ác tâm của những người coi trẻ nhỏ là đối tượng để trút giận dữ, bực tức đến mức mất hết tính người.

Rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở, điểm mầm non ngoài công lập là đòi hỏi cấp bách không thể chậm trễ cùng với những giải pháp mạnh tay cả trước mắt lẫn lâu dài. Kiểm tra không có nghĩa là “phạt cho tồn tại” mà phải sàng lọc, kiên quyết loại bỏ những cơ sở yếu kém không đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ, đặc biệt là chất lượng giáo viên, bảo mẫu.

Không phủ nhận vai trò của hệ thống này, song đã đến lúc phải siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà cần có sự vào cuộc ráo riết của chính quyền địa phương. Siết chặt cả hệ thống, tức là phải siết chặt từng khâu như từng chiếc ốc vít thường xuyên chứ không để đến lúc long rời mới biết.