Cần hồi sức cấp tốc

ANTĐ - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, mặc dù đã chủ động nhưng các giải pháp của Chính phủ mới tập trung xử lý tình thế, chưa giải quyết căn cơ như nhập siêu, lạm phát. Việc tái cơ cấu quá chậm do khâu tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành. Phải đẩy mạnh lộ trình này một cách cấp bách để lấy lại lòng tin vào thị trường khi mà doanh nghiệp đã quá sức chịu đựng.

Một chuyên gia kinh tế đã từng ví von rằng, nhiều doanh nghiệp đang “ăn lương khô” của thời kỳ làm ăn thuận lợi trước đó. Khi “lương khô” cạn kiệt, đồng nghĩa với số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng lên, chứ không chỉ dừng lại ở 200.000 doanh nghiệp như hiện nay. Trong hai năm 2011-2012, số doanh nghiệp phải đóng cửa chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp đóng cửa trong hơn 20 năm đổi mới. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, nhiều doanh nghiệp yếu đến mức không thể “hấp thụ, tiêu hóa” nổi vốn. 

Một chuyên gia kinh tế ngân hàng phân tích, nếu kỳ vọng dư nợ tín dụng đến cuối năm nay tăng 8-10% là rất khó khả thi vì chỉ còn hơn 2 tháng. Trong khi đó, 1% tổng dư nợ hiện nay là khoảng 27.500 tỷ đồng. Nếu mỗi tháng tăng 2% dư nợ, tương đương 55.000 tỷ đồng và đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã được xác định là 22.000 tỷ đồng, đưa tổng đầu tư tín dụng lên tới 77.000 tỷ đồng/tháng. Nguồn vốn này sẽ khiến cho các doanh nghiệp “bội thực”, trừ khi chính sách chuyển mạnh sang cho vay tiêu dùng và chấp nhận có thể đẩy “lạm phát hợp lý” quay trở lại, đồng nghĩa với chấp nhận cho gia tăng nợ xấu. Thực ra, năng lực hấp thụ vốn của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã rất kém do vốn cũ chưa trả được hết, không có thị trường đầu ra nên lượng hàng tồn kho càng ứ đọng, vì thế không đủ “tiêu chuẩn” tiếp cận vốn mới.

Một đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, trong 9 tháng qua huy động vốn tăng trưởng trên 11%, song tín dụng chỉ tăng 2,3%, vậy mà lãi suất vẫn bị đẩy lên 13-14%, thị trường rất lộn xộn. Do vậy phải có giải pháp dài hạn với hệ thống ngân hàng, chứ giải pháp thời gian qua chỉ là “hà hơi, thổi ngạt”. Có những ngân hàng không phục vụ nền kinh tế, bơm chỗ này sang chỗ khác. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tỏ ra bức xúc nhận định, với một nền kinh tế như Việt Nam mà cho phép thành lập cả trăm tổ chức tín dụng là việc bất thường. Phải có giải pháp loại bỏ những tổ chức không đủ năng lực tài chính nhưng đến nay hầu hết đều vẫn đặt trên bàn. Ông phát biểu thẳng rằng, rất nhiều hậu quả của ngày hôm nay đã được cảnh báo từ nhiệm kỳ Quốc hội trước, song cứ như “nói vào không khí vậy”.

Có thể nói, những khó khăn của nền kinh tế, nhất là của giới doanh nghiệp đã được tích tụ từ mấy năm trước. Để “chữa trị” cho doanh nghiệp, rõ ràng phải đi sâu vào căn nguyên tức là phải tái cấu trúc. Tuy nhiên trước mắt, doanh nghiệp rất cần được “hồi sức cấp tốc”, giải pháp cấp bách là phải lưu thông được hàng hóa và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.