Căn hộ tái định cư: Đã thiếu còn yếu

(ANTĐ) - Ngày 23-6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã giao ban với các cán bộ chủ chốt thuộc 29 quận, huyện, thị xã và sở, ngành để cùng tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB hơn 1.000 dự án đang triển khai tại Hà Nội.
Tự tung tự tác
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, số dự án cần GPMB trong 6 tháng đầu năm là 1.000 dự án với 10.318ha đất phải thu hồi, liên quan đến 186.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Chỉ trong 6 tháng qua, UBND TP và các sở, ban, ngành đã ban hành trên 900 văn bản bổ sung chính sách, hướng dẫn đôn đốc thực hiện GPMB! Đến nay, thành phố đã hoàn thành GPMB xong và theo phân kỳ đầu tư 131 dự án, với diện tích đất là 943ha, chi trả hơn 8.316 tỷ đồng tiền bồi thường, bố trí tái định cư cho 650 hộ.

Lấy dẫn chứng về những điểm “nóng” trong công tác GPMB, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP, ông Nguyễn Đức Biền nêu trường hợp thỏa thuận đền bù lên tới 1 tỷ đồng/m2 ở quận Hoàn Kiếm. Ông nói: “Việc đền bù theo thỏa thuận là không có điểm dừng, không có quy định nào về giới hạn cho các thỏa thuận như thế. Tất nhiên, để đảm bảo ổn định thì chủ đầu tư phải báo cáo để chính quyền vào cuộc và thực tế thành phố cũng đang quyết liệt giải quyết dứt điểm vụ việc này. Cùng một mảnh đất với nhau một bên thỏa thuận thì được tiền gấp chục lần bên không thỏa thuận, không ai chấp nhận được, cho nên Nhà nước phải có sự điều tiết”.

Chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân ở dự án đường Lê Văn Lương 
Chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân ở dự án đường Lê Văn Lương

Đối với vấn đề nhà tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ thiếu mà chất lượng còn kém dẫn đến khó khăn cho công tác GPMB. Một số chủ đầu tư đã không chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, phải dựa vào quỹ nhà của thành phố. Trong khi đó, chất lượng các khu nhà này còn thấp, hạ tầng kỹ thuật và xã hội không đảm bảo, khiến cho người dân rất khó khăn khi phải chuyển đến. Lãnh đạo các quận Hà Đông, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm đều nêu kiến nghị phải tăng thêm quỹ nhà tái định cư đi cùng với chất lượng tốt. Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB bức xúc: “Một số dự án tái định cư rất nhiều khiếm khuyết, chủ đầu tư chỉ chăm lo cho phần kinh doanh. Nhiều khi làm xong đến 90% nhưng vẫn chưa đóng điện, đóng nước cho người dân...”. Ông Phan Tiến Bình, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, một số hộ của quận này khi chuyển đến Khu tái định cư Pháp Vân, khu nhà cao 7 tầng mà đến nay vẫn chưa có thang máy.

Phải đảm bảo lợi ích chính đáng của dân
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, bên cạnh những kết quả, công tác GPMB của Hà Nội vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và khó khăn, bất cập. Trước hết là về cơ chế, chính sách, quy định về thu hồi đất, đền bù, GPMB còn thiếu đồng bộ và chưa thật hợp lý. Sự phối kết hợp của một số sở, ngành và liên ngành chưa chặt chẽ, công tác tham mưu cơ chế chính sách cho UBND TP còn chậm, có việc chưa kịp thời. Công tác tái định cư cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nơi tái định cư chưa đồng bộ; chất lượng nhà tái định cư chưa cao, không thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Việc xử lý kiến nghị, thắc mắc, khiếu kiện của người bị thu hồi đất, có lúc, có nơi chưa được quan tâm kịp thời; thậm chí có biểu hiện ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại đối thoại với dân và đổ lỗi cho cơ chế chính sách. Cá biệt có một số cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở cơ sở còn có hành vi tiêu cực, trục lợi đã bị phát hiện và xử lý.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB để tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, Hà Nội phải sớm khắc phục các mặt hạn chế trên. Ông nói: “Phải bảo đảm thực sự dân chủ, công khai và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân khi thực hiện dự án. Cần đặc biệt quan tâm chia sẻ với những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân phải di dời...”.

Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, phải khắc phục tình trạng hình thành các dự án treo, để đất hoang hoá, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho người dân. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình vi phạm, làm sai các chủ trương, quy định của Nhà nước và thành phố, hạn chế tình trạng chủ đầu tư chỉ tập trung chạy theo lợi ích kinh doanh đơn thuần, không quan tâm đến nghĩa vụ xây nhà tái định cư, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống dân sinh...