Cần hiểu đúng cách xét nguyện vọng vào lớp 10 công lập để tránh lo lắng hoặc chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Sở GD-ĐT công bố số lượng nguyện vọng đăng ký dự tuyển lớp 10, nhiều phụ huynh học sinh  quá lo lắng khi thấy 3 nguyện vọng vào trường mình chọn tăng cao.
Phụ huynh học sinh cần hiểu đúng cách xét nguyện vọng, tránh bị ảnh hưởng tâm lý bởi tỷ lệ chọi vào lớp 10 trường công

Phụ huynh học sinh cần hiểu đúng cách xét nguyện vọng, tránh bị ảnh hưởng tâm lý bởi tỷ lệ chọi vào lớp 10 trường công

Bảng số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 vừa được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố cho thấy một phần mức độ cạnh tranh vào các trường công lập năm học 2025-2026 thông qua tỷ lệ giữa nguyện vọng đăng ký với chỉ tiêu vào trường.

Sau khi tỷ lệ chọi các trường được công khai, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và cho là con em mình mất cơ hội đỗ công lập vì số lượng đăng ký nguyện vọng quá nhiều. Có trường lượng nguyện vọng lên tới hơn 8.000, trong đó nguyện vọng 2 là hơn 5.000.

Với nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10 của các trường là xét tuyển đồng thời giữa các nguyện vọng, các thí sinh sẽ được xét tuyển đồng thời cho đến hết số lượng thí sinh đủ điều kiện theo điểm chuẩn, chỉ tiêu và các quy định liên quan, không phải xét ưu tiên hết nguyện vọng 1 rồi mới xét đến nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3, việc quá nhiều nguyện vọng đăng ký vào một trường khiến phụ huynh lo điểm chuẩn sẽ tăng cao.

Ngược lại cũng có những trường có tỷ lệ chọi thấp dưới 1, khiến phụ huynh cho rằng thí sinh cứ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường và không bị điểm liệt ở môn thi nào là chắc chắn đỗ.

Để tránh tình trạng quá lo lắng hay quá chủ quan, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc tính điểm chuẩn vào lớp 10 đều dựa trên thuật toán chung toàn thành phố. Dù xét tuyển đồng thời cả 3 nguyện vọng nhưng thứ tự sẽ từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3.

Theo đó, thuật toán sẽ tính để loại những thí sinh nguyện vọng 2, 3 đã trúng tuyển các nguyện vọng trước, đưa ra mức điểm chuẩn tốt nhất với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và những thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 chưa trúng tuyển các nguyện vọng trước.

Như vậy, sẽ không có việc tỷ lệ chọi dưới 1 đồng nghĩa với việc thí sinh cứ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường và không bị điểm liệt ở môn thi nào là chắc chắn đỗ.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tỷ lệ chọi cao liệu có dẫn đến việc điểm chuẩn cao hơn không, theo các thầy, cô giáo, không có căn cứ khẳng định tỷ lệ chọi cao thì điểm chuẩn cao.

Thực tế, tỷ lệ chọi thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, không nên thấy tỷ lệ chọi thấp mà nghĩ rằng tỷ lệ chọi “dễ thở”, bởi có thể những thí sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.

Điểm chuẩn trúng tuyển từng năm phụ thuộc nhiều yếu tố như đề thi, kết quả bài thi, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển…, vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng, căng thẳng, nhưng cũng không chủ quan.

Tỷ lệ cạnh tranh vào các trường chỉ là một kênh thông tin tham khảo, giúp thí sinh biết rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường đó, trong năm học đó.

Lúc này thí sinh cần tập trung cao độ để ôn tập tốt và có kỹ năng để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất.