Cần hiến định chặt chẽ về thu hồi đất

ANTĐ - Ngày 5-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Cần hiến định chặt chẽ về thu hồi đất ảnh 1
Thu hồi đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
cần có quy định rõ ràng, minh bạch cơ chế, giá đền bù cụ thể


Không thành lập Hội đồng Bảo hiến

Theo đó, các ý kiến nhìn chung cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là nội dung liên quan đến thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị quy định thu hồi đất đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải rõ ràng, minh bạch, về cơ chế, giá đền bù cụ thể. ĐBQH đề nghị nghiên cứu thể hiện nội dung thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội chặt chẽ hơn, tránh tùy tiện trong thu hồi. Một số ý kiến khác đề nghị quy định chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát thu hồi đất, nhất là đối với thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn, xác định rõ mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo), đặc khu kinh tế, khu hành chính đặc biệt trong Hiến pháp phù hợp với thực tiễn.

Đáng chú ý, hầu hết ĐBQH tán thành quan điểm của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ủy ban là không quy định nội dung thành lập Hội đồng Bảo hiến trong dự thảo. Ủy ban nêu rõ: “Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban  đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo”.

Tiếp thu ý kiến nhân dân

Ghi nhận những ý kiến giải trình nhìn chung thẳng thắn và thỏa đáng, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho biết, nội dung tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo Hiến pháp hợp lý, đã trân trọng tiếp thu những tâm huyết và trí tuệ của nhân dân. Về cơ quan bảo vệ Hiến pháp, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cũng đồng ý không thành lập Hội đồng Hiến pháp và tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, ĐB yêu cầu phải ghi rõ trao trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) thống nhất cao về các quy định trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1992 về thể chế chính trị và quy định nhà nước ta là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa nên Hiến pháp thể hiện rõ bản chất giai cấp của Nhà nước. Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Trần Đình Thu nói, còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, có nhiều ý kiến cử tri lo ngại dự luật không có tính ổn định. Ông nhấn mạnh: “Quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân, thế nên, phải hiến định rất chặt chẽ khi thu hồi nhằm tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân.” ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhấn mạnh, thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về nội dung chính quyền địa phương, một số ý kiến đề nghị quy định chính quyền địa phương gắn với các đơn vị hành chính. Cụ thể, cần quy định HĐND và UBND được thành lập ở các cấp, đơn vị hành chính của nước ta như Hiến pháp 1992, song, cần có cơ chế không có HĐND ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và hải đảo nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Hiến pháp được lâu dài.