Cần hành lang pháp lý cho "Taxi online"

ANTĐ - Sự ra đời của Uber và Grab đã làm thay đổi cục diện lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng taxi. Thế nên, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa taxi online và taxi truyền thống.

Cần hành lang pháp lý cho "Taxi online" ảnh 1Taxi truyền thống đang thua kém taxi online về nhiều mặt

Thiếu hành lang pháp lý 

Đánh giá cao việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber với nhiều ưu điểm như giảm thời gian, giảm chi phí khâu trung gian, giảm giá cước nhưng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, loại hình này vẫn còn những bất cập. “Theo quy định về kinh doanh vận tải bằng taxi, đối tượng phải là tổ chức, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, phục vụ hành khách tốt nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, một số xe cá nhân dùng phần mềm như Grab, Uber để kinh doanh vận tải, gây ra sự lộn xộn, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế. Việc đón trả khách không đúng quy định cũng gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, Uber và Grab chỉ là những nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là các đơn vị kinh doanh vận tải. Uber là đơn vị kinh doanh công nghệ đã được UBND TP.HCM cấp Giấy phép kinh doanh. Còn Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.

Vận tải truyền thống phải chuyển mình

Liên quan đến ý kiến của các Hiệp hội taxi ở các thành phố lớn như  TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cho rằng, Uber taxi và Grab taxi là “taxi trá hình”, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng,  về Grab, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử (Grabcar). Trên xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách. Do đó, sẽ không có sự nhầm tưởng hay “trá hình”. 

Đối với Uber, hoạt động của đơn vị này có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đã quan tâm và tạo điều kiện để công ty có thể kinh doanh tốt, mang lại lợi ích cho người dân, góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm TNGT, giảm chi phí vận tải. “Bộ GTVT đã yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber phải đáp ứng đầy đủ các quy định. Đồng thời, có văn bản đề nghị Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM kiểm tra các đơn vị kinh doanh phần mềm và kinh doanh vận tải xem có đáp ứng các điều kiện hay không”, lãnh đạo Vụ Vận tải thông tin.

Các hãng taxi truyền thống cho rằng, muốn thay đổi giá cước, các doanh nghiệp taxi phải thực hiện theo Thông tư 152, nhưng Uber và Grab lại được tự ý quyết định giá lên xuống, thay đổi theo giờ, theo thời tiết. Song, ông Trần Bảo Ngọc lý giải, không phải do Grab quyết định giá cước mà do các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh. Doanh nghiệp vận tải chỉ thông qua phần mềm của Grab để tính giá cước. Lái xe cũng không ký hợp đồng với Grab mà đang ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thông qua phần mềm công nghệ! Còn với loại hình Grabcar (xe hợp đồng), việc quy định giá cước là do doanh nghiệp tự quyết định.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, sự xuất hiện của Uber và Grab đã khiến các doanh nghiệp vận tải khách truyền thống phải nhìn nhận lại và chuyển đổi mô hình quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin cho phù hợp với quy luật của thị trường. Trước mối lo độc quyền trong “sân chơi” cung cấp phần mềm kết nối vận tải, ông Lê Đình Thọ cho rằng, sẽ không xảy ra tình trạng này. Thứ trưởng Bộ GTVT nói: “Nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm giúp quản lý tốt, Bộ GTVT sẽ xem xét và có thể đề xuất Chính phủ cho thực hiện”.