Căn hầm độc nhất vô nhị

ANTĐ - Không nhiều người Hà Nội biết được rằng, dưới lòng khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố lại tồn tại một căn hầm trú ẩn từ thời chiến tranh. Lịch sử khách sạn có tuổi đời cả trăm năm này cũng chỉ nhắc đến sự tồn tại của căn hầm nhưng không thể xác định rõ vị trí. Vào tháng 8-2011, khi thi công móng của Bamboo Bar, căn hầm bí mật này tình cờ lộ diện.

Hầm ngầm mới được phát hiện tại khách sạn Metropole

Mặc dù hầm được phát hiện từ tháng 8-2011, nhưng phải đến đầu tháng 11, khách sạn Metropole mới chính thức công bố, bởi không đơn giản để xuống hầm “thám hiểm” ngay được. Để mở một cửa rộng chừng 1m2, phải khoan qua tổng cộng 3 lớp bê tông kiên cố dày chừng 2m. Ban đầu nước dưới hầm ngập tận nóc, khách sạn phải cho bơm nước liên tục trong 2 tuần, nước mới rút đi, còn tới bụng chân.

Hầm nằm sâu dưới lòng đất chừng 3m. Lỉnh kỉnh với máy ảnh, máy quay nên cũng phải mất một hồi loay hoay, chúng tôi mới đặt chân được xuống dưới hầm. Không khí khá ngột ngạt do hầm bị bịt kín và ngâm nước lâu ngày. Cứ thế, vừa soi đèn, vừa bì bõm lội nước, chúng tôi lần đi khắp các ngõ ngách của căn hầm. Mặc dù căn hầm chỉ rộng gần 40m2, cao 1,8m nhưng khi đi lại dưới hầm, chúng tôi như có cảm giác lạc vào mê cung bởi phòng nọ thông sang phòng kia bằng nhiều cửa. Trong mỗi phòng rộng chừng vài mét vuông đều có đèn điện được gắn trực tiếp lên trần, các công tắc điện và hệ thống thông hơi, tất cả đều gỉ sét do ngâm nước lâu ngày… Trên một bức tường hầm còn nguyên vẹn dòng chữ “Bob Devereaux ngày 17 tháng 8 năm 1975”.

Ông Kai Speth - Tổng giám đốc khách sạn Metropole là người đầu tiên đặt chân xuống thám hiểm căn hầm. Khi đó ông cùng các đồng nghiệp đã tìm thấy trong căn hầm còn sót lại vài chai rượu cũ, cùng một vài bóng đèn điện. Thật ra, khách sạn Metropole đã từng biết về sự tồn tại của hầm trú ẩn này thông qua các cuốn lịch sử về khách sạn, cũng như qua một vài bài báo phát hành cách đây vài chục năm. Song, tất cả đều không nói rõ về vị trí căn hầm, ai đã ra quyết định xây dựng nó và quá trình xây dựng thế nào. “Trong cuốn lịch sử khách sạn, chúng tôi có câu chuyện kể về Joan Baez, một ca sĩ nhạc dân gian người Mỹ đã từng trú ẩn dưới căn hầm này suốt thời bom đạn mùa đông năm ấy, và cũng tại đây cô sánh vai với một nhạc sĩ guitar người Việt cất cao tiếng hát” - ông Speth cho biết thêm. Lại cũng có nhân chứng kể lại rằng, nữ diễn viên người Mỹ Jane Fonda đã từng tránh bom dưới căn hầm này khi sang Việt Nam để bày tỏ sự phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ. Khách sạn Metropole năm đó là nơi thường trú của phóng viên nhiều tờ báo quốc tế, trong đó có Báo Akahata (Đảng Cộng sản Nhật Bản), Báo L’Humanite (Đảng Cộng sản Pháp), Đài Truyền hình Việt Nam…

Theo đánh giá của ông Kai Speth, ông chưa từng thấy khách sạn nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới lại có căn hầm độc đáo như thế. Ngay sau khi có thông tin về việc tìm thấy căn hầm, đã có cả chục hãng thông tấn thuộc nhiều nước trên thế giới như  Washington Post, South China Morning Post, Singapore Straits Times, Huffington Post, BBC… đến đưa tin và làm phóng sự.

Hiện tại mọi tài liệu về căn hầm độc đáo này đều không còn nữa. Qua lời kể của một số nhân viên cũ của khách sạn thì hầm được xây vào khoảng những năm 1965 bởi đội tự vệ thành phố và nhân viên khách sạn. Giờ đây khi hầm trú ẩn được tìm ra, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Ví như ai là Bob Devereaux, người đã viết tên mình trên bức tường xi măng dưới căn hầm này ngày 17 tháng 8 năm 1975? Hầm bị bịt kín từ năm nào và vì sao nó lại bị bịt kín để rồi rơi vào quên lãng đến mấy chục năm. Cửa chính của hầm ở vị trí nào?

Hiện khách sạn vẫn chưa quyết định cách tốt nhất để sử dụng không gian hầm ngầm này. Nhưng ông Kai Speth khẳng định, chắc chắn phải làm một cái gì đó ý nghĩa cho nơi mang đầy giá trị lịch sử này, rất có thể, nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng nhỏ để nhân viên khách sạn và những du khách hiểu hơn về Việt Nam và cuộc sống ở nơi đây trong thời chiến. Được biết, từ nay cho đến cuối năm 2011, khách sạn Metropole sẽ tiến hành dọn sạch bùn đất lấp đầy một số cửa hầm, đồng thời cải tạo lại không gian, khôi phục lại hệ thống thông gió.

Phát hiện đường hầm tại Cung Nam Phương hoàng hậu

Theo thông tin từ Bảo tàng Lâm Đồng vừa phát hiện một đường hầm bí mật trong Cung Nam Phương hoàng hậu (thuộc khuôn viên bảo tàng). Đường hầm được phát hiện ngay dưới chân cầu thang tầng hầm, theo phỏng đoán ban đầu đường hầm này dẫn ra ngoài khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng để đi đến đâu đó, như một số dinh thự lớn của vua Bảo Đại và các quan chức cấp cao. Lại cũng có phỏng đoán đường hầm trong  Cung Nam Phương hoàng hậu rất có thể được thông đến hệ thống đường hầm bí mật của dinh I Bảo Đại cách đó 1km và dinh II Bảo Đại cách khoảng 2km. Theo tài liệu lịch sử, Cung Nam Phương còn có tên là dinh Nguyễn Hữu Hào - một đại điền chủ xứ Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thân phụ của bà Nguyễn Thị Lan - tức Nam Phương hoàng hậu (vợ của vua Bảo Đại). Dinh Nguyễn Hữu Hào được đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình là Nam Phương hoàng hậu vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước.