Cần hài hòa giữa thụ hưởng và nghĩa vụ lao động

ANTD.VN - Tết này sao ông đăng ký trực nhiều thế, nhà có hai bố con mà ông đi suốt thì còn gì là Tết?

- Làm gì có hai bố con. Thằng Huy nó sắp đi xuyên Á cùng mấy đứa bạn, Tết có mình tôi ở nhà, đến cơ quan còn gặp người này người kia, chuyện trò cho khuây khỏa.

- À, mấy năm gần đây tôi cũng thấy tụi thanh niên “trốn” Tết, hễ được nghỉ là vác ba lô đi du lịch luôn. Nhiều gia đình cũng thoáng, xong mâm cúng Giao thừa là tiễn các cụ về Trời để đi chơi, 3 ngày Tết mà khói hương lạnh ngắt.     

- Bọn trẻ nó suy nghĩ khác thời mình. Thằng Huy còn thông báo với tôi đã xin nghỉ việc, chuyến này đi luôn vài tháng. 

- Nó mới ra trường đi làm được hơn 1 năm chứ mấy, mà công việc lại tốt. Ông không phản đối gì à?

- Cũng chẳng phản đối được. Bây giờ chúng nó suy nghĩ độc lập lắm, chuyện lớn thế mà chỉ là thông báo để mình biết thôi chứ có cần xin phép nữa đâu. Với lại tôi thấy để bọn trẻ đi xa như vậy cũng tốt, mở mang tầm nhìn, học hỏi được nhiều thứ.

- Thì một mặt tôi vẫn phục bọn trẻ ngày nay dám nghĩ dám làm, dám từ bỏ những nhu cầu vật chất bình thường, dám dứt bỏ cuộc sống ổn định để đi xa tìm tòi, trải nghiệm. Nhưng một mặt, tôi vẫn muốn phê phán tâm lý hưởng thụ đó.

- Tụi nó đi phượt, ăn đường ngủ chợ, cũng không hưởng thụ đâu ông ạ. Với lại cũng toàn tiền nó tiết kiệm, chứ có xin của tôi một đồng nào đâu.

- Tôi không nói là hưởng thụ vật chất. Từ bỏ công việc, từ bỏ nghĩa vụ với gia đình, với xã hội để đi như vậy chính là một cách thỏa mãn sở thích cá nhân, không phải hưởng thụ thì là gì? Các anh chị ấy không biết, thời tôi với ông còn trẻ, chúng ta đã phải đóng góp, nỗ lực, hy sinh lợi ích của riêng mình như thế nào để xây dựng được thành phố đẹp đẽ như hôm nay. Vẫn biết tuổi trẻ thì cần trải nghiệm, nhưng cũng phải hài hòa với nghĩa vụ lao động, đóng góp cho cái chung nữa chứ!