Cần giữ hồn cốt văn hóa

(ANTĐ) - Lâm Minh Huy (ảnh) - nguyên Chủ tịch Việt Nam Thương hội tại New York, sang Mỹ năm 1982, thành công dân Mỹ năm 1985, sau đó sớm quay trở về… PV ANTĐ trò chuyện với doanh nhân gốc Việt thành đạt này.

Cần giữ hồn cốt văn hóa

(ANTĐ) - Lâm Minh Huy (ảnh) - nguyên Chủ tịch Việt Nam Thương hội tại New York, sang Mỹ năm 1982, thành công dân Mỹ năm 1985, sau đó sớm quay trở về… PV ANTĐ trò chuyện với doanh nhân gốc Việt thành đạt này.

- Bây giờ anh ở Mỹ hay Việt Nam? Nhiều người băn khoăn chuyện anh mới đi mà đã nhớ quê hương…

- Tôi ở cả 2 nơi và đi rất nhiều nước. Công việc kinh doanh mà. Đúng là khi ra đi vì cuộc sống, tôi luôn hy vọng ngày trở về, song nó đến sớm quá... Đất nước mình thay đổi và phát triển nhanh đến chóng mặt. Khi anh là người con xa xứ, anh mới thấu, chẳng đâu bằng quê mình.

Vì thế khi có cơ hội về Việt Nam, năm 1995, tôi đã tháp tùng thương gia Walter Reed Martindale III để đưa chuyến tàu hàng cà phê Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ. Tôi cũng là nhịp cầu nối đưa nhiều chính trị gia: Kellner, Thomas Dinapoli… các doanh nhân Mỹ, Việt kiều tới Việt Nam. Làm được điều gì để đất nước mình ngày càng giàu đẹp hơn, tôi nghĩ, ai thực sự yêu nước cũng sẽ làm…

- Được biết, anh là hậu duệ dòng họ vua Lý?

- Trong chuyến đầu tiên về Việt Nam, thăm Thủ đô năm 1995, tôi đã được xác nhận con cháu dòng vua Lý ngay tại khu nhà thờ tổ ở làng Đình Bảng. Nhưng thật tiếc, tôi đã không thể dự lễ hội 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, những cảm nhận của tôi qua tác phẩm “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng, mặt hồ Tây mù sương sớm với giai thoại nỗi oan hóa hổ của thái sư Lê Văn Thịnh, gò Đống Đa hào hùng… vẫn còn đó.

Tôi rất ấn tượng về những lễ hội văn hóa thấm đẫm màu sắc “du lịch tâm linh” của người Hà Nội. Tôi thích ăn vặt bởi những món ăn Hà Nội bình dị, thậm chí mộc mạc song lại khơi gợi cảm giác sang trọng qua cách chế biến của người Hà Nội. Cái thú thật tuyệt vời thả bộ lang thang tại Hà Nội trong cái lạnh se người mà không thấy mình đơn độc hay là kẻ lập dị… Một cảm giác bình yên rất lạ.

- Hà Nội hôm nay, theo anh cần những gì?

- Tôi đã đi 4 ngôi đền trấn trị huyền thoại: Quán Thánh, Bạch Mã, Kim Liên, Voi Phục, cả di tích cách mạng 5D Hàm Long, song không gian văn hóa, lịch sử xung quanh di tích dường như đã phai nhạt… Cái chất cổ kính đã bị “nhốt lại” giữa bao công trình đồ sộ mới xây dựng cuối thế kỷ XX… Phát triển đô thị là tất yếu, nhưng bảo tồn di tích đâu chỉ là giữ cho mỗi di tích đó nguyên vẹn về vật chất, mà còn phải giữ được hồn cốt qua việc lưu giữ cảnh quan, không gian văn hóa. Đó là điều Hà Nội cần và rất cần làm trong quá trình phát triển.

Chương Võ