Cần dũng cảm để đổi mới triệt để giáo dục

ANTĐ - Với nhu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, các chuyên gia đã chính thức lên tiếng đòi hỏi sự dũng cảm trong cách nhìn nhận và đổi mới. Theo đó, không chỉ chương trình và sách giáo khoa cần làm lại mà cả việc phân chia các bậc học cũng cần được tái cấu trúc.

Cần dũng cảm để đổi mới triệt để giáo dục ảnh 1
Các nội dung giảng dạy cần sát với thực tế và sinh động hơn
(Trong ảnh: Một giờ học tương tác tại trường THPT Kim Liên, Hà Nội)


Kéo dài tiểu học, phân hóa mạnh THPT

Với kinh nghiệm nhiều năm triển khai công trình thực nghiệm công nghệ giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc tiểu học mà tiêu biểu là mô hình trường Thực nghiệm,  GS Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho rằng, xu hướng giáo dục hiện đại là hướng tới năng lực người học. “Vì sao 100% người dân phải đi học mới có thể có được cuộc sống bình thường thay vì như nhiều năm trước đây có tới 95% dân không cần học vẫn sống được?” -  GS Hồ Ngọc Đại giải thích, đặc trưng thời hiện đại là mọi người cần sức lao động trí óc và giáo dục là phương tiện để trang bị sức lao động trí óc cho 100% người dân, do đó, yêu cầu giáo dục trong nhà trường “phải rất thực, rất vững chắc, không phù phiếm chữ nghĩa, bởi đây là vấn đề thiết thân, sống còn của người dân” – GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh. 

“Từ quan điểm này, tôi đề nghị hệ thống giáo dục phổ thông nên cấu trúc thành 11 năm với 6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT tự chọn”. Lý giải về việc phân chia này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng 6 năm đầu tiên học tiểu học là thời gian đáng trân trọng nhất của con người, thời điểm bắt đầu hình thành nhân cách, trí óc của trẻ em nên cần giữ cho thánh thiện. “Giữ trẻ em đến 12 tuổi trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn là thả ra sớm một năm (11 tuổi như hiện nay)” – GS Hồ Ngọc Đại phân tích. Với 3 năm THCS, học sinh chỉ cần bổ sung một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến và 2 năm THPT tự chọn để dành thời gian cho việc phân hóa lên ĐH, CĐ hay chuyển sang học nghề vì với sự phát triển tâm lý xã hội hiện đại, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng học phổ thông kéo dài đến 18 tuổi là thừa, tốn kém.

Phân tích kỹ hơn ở bậc học THPT, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, nếu không thay đổi mạnh mẽ cấu trúc và chương trình 3 năm THPT thì sẽ không thể thành công trong việc phân luồng học nghề hay học ĐH, CĐ. Theo PGS Văn Như Cương, cấp THPT cần được phân thành hai nhánh: một là THPT và nhánh kia là trung học học nghề. Các trường THPT có mục tiêu đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học đại học với hệ thống chương trình gồm 5 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Kỹ năng sống, giáo dục thể chất và 2 trong số 7 môn tự chọn, một chuyên đề tự chọn. Số học sinh học THPT chỉ nên chiếm 40%. 60% còn lại sẽ học trung học dạy nghề trên tinh thần 50% thời lượng học tập dành cho dạy nghề, 50% thời gian dành cho kiến thức văn hóa phổ thông với mục tiêu đào tạo học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có một nghề. Học sinh sau khi tốt nghiệp có thể ra làm việc hoặc tiếp tục học lên CĐ nghề hoặc Trung cấp chuyên nghiệp.

Cách cấu trúc này theo PGS Văn Như Cương sẽ khắc phục được mục tiêu lệch lạc hiện nay là tất cả học sinh 12 năm học phổ thông chỉ có duy nhất một mục đích học lên ĐH dù có thể không phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. 

Cần dũng cảm để đổi mới triệt để giáo dục ảnh 2
Giảm tải ở bậc tiểu học và tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học sinh
là rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của các em

Dạy những cái thiết thực

Cùng với đề nghị gắt gao về tái cấu trúc bậc học phổ thông, các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

“Chúng ta bắt trẻ con học những thứ mà sau khi tốt nghiệp không bao giờ chúng gặp phải trong cuộc sống hay trong công việc. Tôi cho rằng những kiến thức toán học như số phức, tích phân, phương trình lượng giác, bài toán hình học không gian rối rắm… hoàn toàn không phải là kiến thức phổ thông. Đây là những kiến thức không cần thiết khi mà người ta làm nghề báo, viết văn, y tế, ngân hàng, luật sư…” - PGS Văn Như Cương nhận xét.

Trong khi đó, vị PGS này cho rằng các môn học “làm người” lại không được chú trọng, không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học như rèn luyện những phẩm chất trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật hay các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ với môi trường…

Lấy ví dụ như bộ sách giáo khoa Sinh học GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhận xét “là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình vừa nhiều chuyện để dạy, lại vừa rất nông”. Lý giải tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không nhớ nổi kiến thức và cũng không hiểu nội dung đã học, GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá là vì các em đã học quá nhiều chuyên ngành như động vật không xương, có xương, thực vật bậc thấp, bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học..., trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần.

“Vừa khó hiểu, vừa khó nhớ, lại không muốn học thì hiểu sao được?” – GS.TS Nguyễn Lân Dũng phân tích. “Điều cần làm theo tôi là làm sao dạy cho học sinh hiểu biết chung về khoa học sự sống theo phương pháp tích hợp, không cần thiết đi sâu về từng nhóm sinh vật ”.

Phân tích về nguyên nhân tình trạng chú trọng dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức dạy người, GS.TS Nguyễn Đức Chính, chuyên gia cao cấp trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng việc chỉ đạo cũng như quá trình triển khai của giáo viên mới chỉ tập trung truyền đạt nội dung sách giáo khoa mà chưa kết hợp, lồng ghép được việc truyền đạt này với việc thể hiện thái độ ứng xử.

Theo GS Nguyễn Đức Chính, điểm cốt lõi là làm sao giáo viên thực hiện chương trình theo hướng tổ chức hoạt động cho học sinh để học sinh tự tạo kiến thức cho mình làm cơ sở hình thành năng lực. “Trong một xã hội hiện đại, ai cũng có nhu cầu được học nhưng không ai học hộ được ai. Một nền giáo dục lành mạnh sẽ tạo mọi điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ để mỗi học sinh thực hiện được nhu cầu đó một cách tốt nhất” – GS Nguyễn Đức Chính khẳng định.