Cân điêu vẫn khó “diệt”

ANTĐ - Biết rõ là bị người bán hàng cân điêu, đo thiếu vậy mà nhiều khách hàng chỉ biết im lặng tức tối, không thể làm rõ thực hư hay đòi bồi thường. Cân điêu, gian dối trong buôn bán là thực trạng tràn lan tại không ít các chợ, các cửa  hàng tạp hóa... Bất kể là hàng hóa gì, từ mớ rau, con cá, lạng thịt đến mấy mét dây điện... người bán đều có thể cân thiếu, gian lận của người mua để thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Đôi khi, chiếc cân hay cái thước không sai, thậm chí đúng và đủ, nhưng người bán dùng “tiểu xảo” hoặc công bố thông tin sai lệch với người mua. Nếu khách hàng khó tính bắt kiểm tra lại, phần lớn người bán sẽ càu nhàu, quá đáng hơn còn to mồm chửi bới.

Trong giao dịch mua bán thông thường, người mua vẫn chịu nhiều lép vế. Chẳng người bán nào dám cam đoan với người mua mang về nhà cân đo lại, rồi mang ra đối chứng. Cũng chẳng có người bán hàng bên cạnh nào vui vẻ, sẵn sàng cho người mua của người bán khác kiểm tra lại vì “mối thâm giao” giữa những người bán hàng. Thế nên, người mua đang dần quen với việc bị cân đong thiếu mà hiếm khi làm gì được người bán.

Tại một số chợ dân sinh lớn trên địa bàn Hà Nội, ban quản lý chợ đặt sẵn một số chiếc cân đối chứng cho khách. Nếu người tiêu dùng phát hiện sai phạm, có thể nhờ ban quản lý chợ can thiệp. Tuy nhiên, muôn thuở, người bán mới là “người quen” của ban quản lý chợ, người mua vẫn chỉ là khách hàng; hoặc nếu có xử lý vi phạm cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, nhắc nhở cho qua. Thế nên không ít người tiêu dùng bỏ qua thói quen cân kiểm chứng. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến tình trạng gian lận này có “đất sống” và phát triển.

Gian lận cân đong là gian lận thương mại, hoàn toàn có thể áp dụng các chế tài xử phạt của Nhà nước theo mức độ vi phạm. Có thể có ý kiến cho rằng gian lận trong giao dịch giá trị nhỏ chẳng đáng là bao, nhưng trên thực tế, có hàng trăm, hàng nghìn người tiêu dùng bị móc túi bởi gian lận này sau mỗi buổi chợ. Hãy thử nhân lên con số thiệt hại! Quan trọng hơn nữa, thói xấu đó ảnh hưởng gián tiếp đến xã hội và đi ngược lại văn minh thương mại. Bên cạnh việc chủ động tố cáo vi phạm của người tiêu dùng, ban quản lý các chợ, lực lượng quản lý thị trường... cần thường xuyên vào cuộc kiểm tra, xử lý, không bao che, dung túng để đảm bảo hoạt động thương mại lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.