Như vậy, vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được khẳng định và phát huy trong nhiều năm qua. Chính vì sự ổn định về chính trị, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo là điều kiện và nền tảng để công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước ta khởi xướng, lãnh đạo đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng… góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Từ thực tiễn công tác tại cơ sở, tôi thấy Điều 72 dự thảo Hiến pháp lần này cần cụ thể hóa nhiệm vụ của Công an nhân dân: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật”.
Chúng tôi cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53): “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý” để nội dung Điều này chi tiết hơn, không chỉ giúp cho các cơ quan chức năng thuận lợi khi triển khai mà cũng giúp người dân đồng thuận và chấp hành, cụ thể: “1. Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng của quốc gia xét thấy khi cần thiết. 2. Các địa phương xét thấy khi cần thiết tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề quan trọng của địa phương.3. Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước, địa phương tổ chức trưng cầu dân ý”.