Căn cứ hải quân Ukraine tại Crimea bị chiếm giữ

ANTĐ - Căng thẳng tại Crimea vẫn tiếp diễn, một ngày sau khi bán đảo này ký kết hiệp ước sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Quân nhân Ukraine rời căn cứ hải quân ở Sevastopol ngày 19-3

Sẽ vẽ lại bản đồ thế giới?

Hôm qua 19-3, ít nhất 30 quân nhân Ukraine đã rời khỏi trụ sở chính của Hải quân nước này tại thành phố cảng Sevastopol bên bờ Biển Đen sau khi hàng nghìn người thuộc lực lượng tự vệ Crimea xông vào bên trong khu vực này và thay cờ Ukraine bằng cờ Nga. Hãng thông tấn Itar-tass cho biết, trong số những người rời đi có cả Thiếu tướng Hải quân Ukraine Sergey Gaiduk. Việc tiếp quản căn cứ trên diễn ra nhanh chóng mà không gặp phải sự kháng cự nào. Trước đó một ngày có thông tin cho rằng 1 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 2 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại căn cứ quân sự Ukraine ở Simferopol, thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Crimea. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi vụ việc trên là “tội ác chiến tranh”, trong khi Nga phủ nhận liên quan. Ukraine đe dọa sẽ quốc hữu hóa tài sản Nga nhằm đáp trả việc Crimea tuyên bố sung công tài sản Ukraine trên bán đảo này.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng triệu Đại biện Nga Andrei Vorobyov tới để trao công hàm phản đối việc Nga ký kết hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này. Trong khi đó, các chuyên gia tại Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) có trụ sở tại Washington vừa công bố kế hoạch vẽ lại bản đồ thế giới để thể hiện Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, sau khi quá trình tái sáp nhập của bán đảo này với Matxcơva được hoàn tất. 

Moldova cảnh báo Nga

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó hai nhà lãnh đạo lên án việc Nga và Crimea ký kết hiệp ước sáp nhập. Theo thông cáo phát đi từ Nhà Trắng, bà Merkel và ông Obama cảnh báo, Nga sẽ phải trả giá cho những hành động của mình. Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng điều quan trọng hiện nay là cử các quan sát viên quốc tế từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và Liên hợp quốc tới khu vực miền đông và nam Ukraine ngay lập tức. Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ nói rằng, hiện vẫn còn chỗ cho các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng tại Ukraine. Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bàn cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 20 và 21-3. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, Anh đã tạm ngừng hợp tác quân sự với Nga, và gọi cuộc khủng hoảng tại Ukraine là thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu từ đầu thế kỷ 21 tới nay. 

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Moldova Nicolae Timofti ngày 18-3 đã lên tiếng cảnh báo Nga không nên có hành động sáp nhập vùng đất ly khai Transdniestria của Moldova vào Nga giống như trường hợp Crimea. Được biết, Transdniestria tách khỏi Moldova vào năm 1990 và tự tuyên bố độc lập, nhưng cho đến nay, không có quốc gia nào công nhận, kể cả Nga.