Cần công khai giá thành sản xuất điện

ANTĐ - Cần rà soát lại tất cả giá bán hiện nay của các nhà máy điện ngoài ngành cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để có thể nêu ý kiến thay đổi vấn đề quản lý giá điện. Đây là khuyến nghị của các chuyên gia đưa ra tại buổi hội thảo “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường” do Học viện Tài chính - Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (14-3).

Các chuyên gia cho rằng nếu không làm rõ các khoản lỗ của EVN giá điện sẽ khó minh bạch

Yêu cầu phá thế độc quyền 

Trước quyết định về việc EVN được điều chỉnh tăng 5% giá bán điện, ông Vũ Xuân Thuyên - Chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc trao quyền cho EVN được điều chỉnh giá bán điện dựa vào các thông số đầu vào cơ bản càng khiến cho tập đoàn này tăng cấp độc quyền, quyết định này chỉ mang lại lợi ích cho EVN. 

“Giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện mà các doanh nghiệp ngoài bán cho EVN chưa đến 5 cent. Giá điện hiện nay chỉ mới có cơ chế bán lẻ mà không có cơ chế mua buôn” - ông Thuyết nhấn mạnh. Bộ Công Thương phải có hướng dẫn chi tiết cách tính và công khai giá thành sản xuất điện. Theo đó, những hạng mục như chi phí truyền tải điện, chi phí tính cho 1kW điện của mạng phân phối điện, tỷ lệ hao hụt điện năng được phê duyệt, lãi định mức và chi phí quản lý điều hành... cần được công khai.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, hiện nay, cả ba khâu phát điện, truyền tải điện và phân phối điện hoàn toàn nằm trong tay của EVN. Việc tăng giá bán điện chủ yếu do EVN xây dựng, đệ trình Chính phủ cũng là EVN. Khi EVN đầu tư ngoài ngành lỗ, để bù lại EVN cũng xin tăng giá điện. 

Các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ các khoản lỗ của EVN, trong đó Nhà nước chỉ giải quyết bù các khoản lỗ  liên quan đến điện do việc EVN phải bán điện với giá thấp hơn chi phí sản xuất để bảo đảm các mục tiêu kinh tế xã hội, chứ không để người dân bù chéo cho các khoản lỗ do EVN đầu tư kinh doanh ngoài ngành. TSKH Trần Thị Hiền cho rằng, đang có một thực tế vô lý là người dân phải gánh các khoản mà ngành điện bù chéo cho các ngành sản xuất thép, xi măng.

Tiến tới giá thị trường

Ông Hoàng Trần Hậu, PGĐ Học viện Tài chính khẳng định, cần có những đánh giá, nhìn nhận đúng hơn và đồng thuận về thực hiện lộ trình thị trường hóa, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Quyết định số 24/2011/QĐ - TTg ngày 15-4-2011 của TTCP về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là tín hiệu mở cửa không còn đóng khung giá điện trong nội bộ ngành, nhưng đến nay, cách quản lý giá hiện nay quá hành chính. Việc phân tích, đánh giá, điều hành giá điện hiện nay còn nhạy cảm và “tế nhị”.

Đánh giá về lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho rằng: “Cần phải có lộ trình, thực chất việc tiến tới thị trường điện cạnh tranh rất phức tạp. Bởi vì ngành điện có đặc thù riêng, sản xuất phải phù hợp với tiêu thụ nếu không sẽ phá vỡ thế cân đối”.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, bản thân Bộ Công Thương cũng không thể can thiệp sâu được vào các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện như lãi suất, nhiên liệu được. Hơn nữa trong bối cảnh với tỷ giá, lãi suất cao như hiện nay nếu không điều chỉnh giá điện thì không thể kêu gọi đầu tư vào ngành điện. Giá bán điện của EVN hiện mới là 6,5 cent và do điều chỉnh giá điện đầu ra khó khăn nên EVN chặt chẽ trong các hợp đồng mua bán điện là đương nhiên. 

Đưa ra những khuyến nghị cho lộ trình thực hiện việc quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, ông Vũ Xuân Thuyên cho rằng, cần rà soát lại tất cả các giá bán hiện nay của các nhà máy điện ngoài ngành cho EVN, có số liệu hợp pháp để nêu ý kiến thay đổi vấn đề quản lý giá điện. Các đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ trước đây trong tay EVN hết, nếu tách được ra như các công ty dịch vụ công ích thì sẽ cổ phần sau 3 - 4 năm.

Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến: “Chi phí, giá cả EVN đưa ra thế nào, công bố ra sao thì chúng ta phải theo. Vì thế, nếu không giảm bớt tỷ trọng của đơn vị này thì rất khó để đảm bảo giá điện minh bạch, công bằng. Do vậy cần nhanh chóng thực hiện bóc tách giữa các khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ ra khỏi EVN. Ngoài ra, việc khuyến khích các nhà đầu tư ngoài EVN, đặc biệt là khu vực tư nhân và nguồn FDI cũng nên tính tới”.