Cần công khai các quy hoạch

ANTĐ - (Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử 
Chính phủ, chiều 16-3)

Công khai thông tin quy hoạch, dự án sẽ giúp hoạt động giám sát hiệu quả

- Từng nghe nhiều về “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư”, những từ này có xuất hiện ở Bộ KH-ĐT không?

- Đây là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. Không ai có thể nói, ở Bộ mình, ngành mình hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được. Bộ đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá cao. Đầu năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới làm sao giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực. Bộ đề nghị Chính phủ công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ.

- Nhiều nhà đầu tư đang có vấn đề về tài chính nên có hiện tượng trụ sở, nhà máy bị “vườn không nhà trống”. Giải pháp nào cho vấn đề này?

- Do suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam không tránh khỏi khó khăn, thậm chí không đủ vốn đầu tư tiếp. Như vậy, cộng với khó khăn nội tại khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí đình hoãn sản xuất. Đây là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, trước hết là địa phương, nơi cấp phép dự án. Các bộ, ngành cũng có trách nhiệm về hiện tượng này. Mỗi doanh nghiệp có khó khăn khác nhau, phải xác minh cụ thể, kiểm tra, xem doanh nghiệp đó khó khăn thật sự, đổ bể do khách quan hay các lý do khác, để có cách xử lý. Phải cùng nhau rà soát tháo gỡ để từ đó làm sao khắc phục được, hoặc là phục hồi sản xuất cho hiệu quả, hoặc là yêu cầu chuyển nhượng, thu hồi nếu như có những yếu tố có thể thu hồi được theo đúng luật pháp Việt Nam.

- Bộ trưởng nghĩ sao khi dòng vốn FDI không đầu tư cho sản xuất mà đổ vào bất động sản?

-iện có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, hiện đại, mẫu mực. Qua đó, không những chúng ta có lợi về đầu tư mà còn nhận được bài học trong quy hoạch đô thị. Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô. Hiện nay, đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm.

- Bộ trưởng có tính bỏ bớt sân golf trả lại đất sản xuất cho nông dân không?

- Sân golf không có lỗi, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện. Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf. Tuy nhiên, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này cũng có nơi chưa được nghiêm. Bộ KH-ĐT vừa dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một chỉ thị mới về vấn đề này. Theo đó, sẽ rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ. Cùng với đó, sẽ kiểm tra, xử lý các các sân dùng đất màu, đất lúa, biến thành bất động sản. Ngoài ra, phải quy định không sử dụng đất lúa, đất màu, đất rừng để làm sân golf. Cuối cùng, sân golf chỉ được xây dựng ở các vùng có tiềm năng du lịch và phải xây tiết kiệm.

- Bộ trưởng có nghĩ là cần công khai quy hoạch, danh mục dự án, công trình đầu tư cụ thể để huy động các nguồn lực và đưa vào giám sát chặt chẽ với chế độ thưởng, phạt rõ ràng để các công trình không bị lâm vào tình trạng đắp chiếu?

- Ý kiến này rất hay và đúng. Chúng ta cần công khai các quy hoạch, để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đúng cho các dự án, công trình. Từ đó, nếu nhà thầu, nhà đầu tư làm không tốt sẽ thu hồi dự án. Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này, vấn đề là sắp tới sẽ phải có những biện pháp triển khai cho hiệu quả.