Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội):

Cần có quyết sách lâu dài bảo vệ chủ quyền biển đảo

ANTĐ - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, tới đây, Quốc hội cần thảo luận sâu về vấn đề Biển Đông. Theo đó, cần phải bàn bạc về những quyết sách lâu dài bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Việt Nam. Đây là vấn đề nhân dân, cử tri đang rất quan tâm hiện nay.

Cần có quyết sách lâu dài bảo vệ chủ quyền biển đảo ảnh 1

- Không chỉ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, tàu Trung Quốc còn liên tục tấn công tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển của ta, bà có bình luận gì?

- Đây là sự việc rất nghiêm trọng. Việc đưa giàn khoan cùng nhiều tàu vào thềm lục địa của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chính họ đã đi ngược hoàn toàn nội dung được thỏa thuận trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tôi cho rằng, âm mưu của họ là rất thâm độc chứ không chỉ là việc thăm dò, khai thác dầu. Hành động của Trung Quốc, khiến các tầng lớp nhân dân rất bức xúc.  

- Bà nhìn nhận thế nào về những giải pháp đấu tranh mà ta đã và đang triển khai?

- Ở tầm vĩ mô, chúng ta cũng đã có biện pháp xử lý, chúng ta đi theo một bài bản, từ đấu tranh nhân dân và ở cấp cao hơn là Thủ tướng đã có bài phát biểu, thể hiện quan điểm của chúng ta ở diễn đàn khu vực. Tôi cho rằng, kiên nhẫn, kiên trì, ôn hòa lúc này là cần thiết, nhưng chúng ta phải giữ vững nguyên tắc là bảo vệ bằng được chủ quyền. Chúng ta phải dựa vào nguyên tắc không gì khác là Công ước Liên hợp quốc  về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trung Quốc phải tôn trọng những nguyên tắc luật pháp quốc tế đó. 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang có những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, mang rất nhiều tàu đến xâm phạm vùng biển của ta, gây sự với ta. Những bước đi vừa qua của chúng ta thông qua đấu tranh bằng con đường ngoại giao, đấu tranh trên diễn đàn quốc tế, đấu tranh nhân dân là rất tốt. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải vạch ra mục tiêu cụ thể, bằng mọi cách buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra. Chúng ta phải có lộ trình, biện pháp cụ thể và phải thực hiện khẩn trương. 

- Vừa rồi, công nhân ở một số khu công nghiệp đã bị kích động dẫn tới hành động quá khích, chúng ta cần xem xét vấn đề này như thế nào?

- Sự kiện xảy ra ở Bình Dương gợi ra cho chúng ta nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Đó là đằng sau việc gây rối đó có bàn tay của kẻ xấu đang cố tình làm rối tình hình không? Chúng ta cần hết sức cảnh giác với những vấn đề nhạy cảm, cần bình tĩnh, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, không làm tình hình phức tạp thêm.