Bến xe Mỹ Đình (2)

Cần có quy hoạch hợp lý

ANTĐ - Không phải cứ xử phạt thì “bến cóc” xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình sẽ hết. Khi số lượng xe vào bến quá lớn, gấp 3 lần công suất thiết kế, những người kinh doanh vận tải bắt buộc phải tìm đến “bến cóc” nếu không muốn bị xử phạt vì lỗi dừng đỗ xe không đúng nơi quy định.

Đã có lúc, “bến cóc” bị xóa sổ

Trung tá Đoàn Duy Bắc, Đội phó Đội CSTT-PƯN CAH Từ Liêm cho hay: “Là lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ, khi phát hiện vi phạm chúng tôi phải xử phạt. Song cũng phải thấy rằng, khu đất trống rộng 12.000m2 của 60 hộ dân phía sau Bến xe Mỹ Đình là đất nông nghiệp, thành phố không thu hồi nhưng người dân cũng không thể canh tác được. Không có đất để trồng cấy, người dân bắt buộc phải cho thuê lại để có điều kiện sinh sống. CAH cũng đã tham mưu nhiều lần với UBND xã Mỹ Đình, Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình để xử lý thực trạng này nhưng vẫn chưa có kết quả. Nhiều cấp nhiều ngành đã kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có thể mở rộng Bến xe Mỹ Đình, nâng cao công suất so với thiết kế ban đầu. Tuy nhiên vì quy định và thủ tục quá phức tạp nên cho đến thời điểm này, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ”. 

Theo thiết kế ban đầu, Bến xe Mỹ Đình phục vụ chủ yếu cho tuyến hành khách đi các tỉnh phía Tây thành phố Hà Nội. Song hiện nay, tại đây, khi đường cao tốc trên cao đi vào hoạt động, tất cả các tuyến phía Bắc, phía Nam cũng dồn lại bến này dẫn đến lượng xe ngày một nhiều thêm. Kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Ban Quản lý Bến xe Mỹ Đình cũng phải chịu nhiều áp lực khi số lượng xe tham gia kinh doanh vận tải tại đây quá lớn, trong khi diện tích vẫn không thay đổi. 

Là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo ANTT, TTATGT, TTĐT tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, CAH Từ Liêm đã nhiều lần đề nghị nhiều biện pháp giải quyết tận gốc rễ “bến cóc” xung quanh Bến xe Mỹ Đình. Thứ nhất, khảo sát thực trạng quy mô, công suất của bến xe để có kế hoạch lập dự án mở rộng quy mô phù hợp với tốc độ gia tăng lượng hành khách, phương tiện.

Trước mắt, phân luồng một số tuyến đón trả khách về Bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông.

Thứ 2, tăng cường quản lý đất đai xung quanh khu vực của bến xe và tuyến đường Phạm Hùng, khu vực giáp ranh Bến xe Mỹ Đình để chỉ đạo, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng không để bến bãi lập trái phép hình thành.

Thứ 3, đề nghị Sở GTVT giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ phối hợp với UBND huyện Từ Liêm và UBND xã Mỹ Đình nghiên cứu đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời phần đất, ruộng không canh tác của hợp tác xã, đất công làm nơi trông giữ xe ô tô, góp phần giảm tải cho lượng xe vào trong Bến xe Mỹ Đình.

Thứ 4, đề nghị  lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp vận tải bằng xe khách. Những doanh nghiệp, lái xe vi phạm nhiều lần ngoài việc xử lý phạt tiền theo Nghị định 34, Nghị định 71 có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, cắt nốt không cho hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình.

Bến xe Mỹ Đình quá tải, cần có quy hoạch lại

Trung tá Dương Ngọc Thông, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự công cộng số 2, Phòng Cảnh sát trật tự - CATP Hà Nội cho biết: Qua nhiều lần trao đổi, lực lượng công an cũng đã đề nghị với Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình, nếu khu đất này tạm thời chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng thì bến xe có thể đề nghị thành phố cho phép thuê lại của người dân cũng như một số hộ đang thuê để kinh doanh hiện nay, một mặt là mở rộng quy mô của bến xe, mặt khác có thể quản lý được những vấn đề phức tạp đang nảy sinh ở đây. 

UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các lực lượng phối hợp xử lý vi phạm xe dù, bến cóc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình. Thực hiện chỉ đạo của CATP Hà Nội, trong nhiều năm qua, CATP, CAH Từ Liêm, Thanh tra GTVT đã bố trí lực lượng, trong đó thành lập một tổ cảnh sát trực tiếp làm việc tại bến xe và phối hợp với các lực lượng của CAH, CATP đảm bảo ANTT tại khu vực.

Riêng trong năm 2012, CAH đã có 3 văn bản báo cáo Chủ tịch UBND huyện về việc chỉ đạo UBND xã Mỹ Đình phối hợp với thanh tra xây dựng, tài nguyên môi trường tổ chức cưỡng chế các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, việc xử lý này chỉ mang lại hiệu quả bước đầu, rất khó duy trì. Nếu không cho xe vào “bến cóc” này, các chủ xe lại tìm các con đường vắng quanh trong khu vực Bến xe Mỹ Đình tìm chỗ đỗ, tiếp tục phình ra những “bến cóc” khác. Vì vậy theo kiến nghị của lực lượng chức năng, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần quy hoạch lại Bến xe Mỹ Đình, tăng năng lực, sức chứa cho bến xe. Xử phạt thật nặng với những trường hợp chạy “xe dù”, thậm chí thu giữ xe, vì đây là một đối tác tích cực của “bến cóc”. 

“Bến cóc” luôn tập trung một lượng xe lớn nhưng lại không có sự quản lý dẫn tới việc tranh giành khách, bảo kê, thu tiền của các xe bất hợp pháp. Vì vậy, để hạ nhiệt được điểm nóng “bến cóc” xung quanh Bến xe Mỹ Đình, không phải chỉ cần lực lượng công an chốt chặn là có thể giải quyết được mà đòi hỏi một sự tính toán kỹ lưỡng, khoa học của những người làm quản lý và sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan.