Cần có chính sách đồng bộ để người dân đỡ khổ

ANTĐ - Sau khi Báo An ninh Thủ đô đăng loạt bài “Khổ vì sống trong biệt thự cổ” phản ánh đời sống hết sức khó khăn, bức bối của người dân đang cư trú trong những tòa “biệt thự” Pháp đã cũ nát tại nội thành Hà Nội, đại diện chính quyền  địa phương đã có hồi âm.

Biệt thư số 8 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng đã xuống cấp…

Sóng đánh trong “biệt thự”

Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (nơi có biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ mà Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh), ông Vũ Anh Tuấn cho biết, phường chia sẻ khó khăn, bức bối với các hộ dân sống trong các tòa biệt thự cổ. Song vì nằm trong diện biệt thự Pháp được thành phố quản lý nên việc xét cấp “sổ đỏ” hay sửa chữa, xây dựng hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của phường. Cung cấp thông tin tương tự, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, trách nhiệm của UBND quận và các phường là quản lý nghiêm ngặt các tòa biệt thự Pháp theo đúng chỉ đạo của thành phố. Ông Lâm Anh Tuấn nói: “Quận nắm được tình hình đời sống bức bối của các hộ dân như Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh. Nhưng quy định là vậy, quận phải thực hiện đúng, không thể vượt thẩm quyền. Nếu quận giải quyết cấp “sổ đỏ” hay cấp phép xây dựng là làm trái luật...”

Là một trong những phường có nhiều biệt thự Pháp cổ nhất Hà Nội, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) khẳng định Báo An ninh Thủ đô nêu rất đúng hiện trạng và tâm tư của người dân đang sống ở các tòa biệt thự cũ.  Liệt kê ra hàng loạt tòa biệt thự trên địa bàn cũng đang trong tình trạng như số 8 Tăng Bạt Hổ, ông Phạm Ngọc Long kể: “Cơ bản là xuống cấp, cũ nát hết. Trải qua 100 năm rồi còn gì. Lúc đầu, khi mới vào ở từ năm 1954, mỗi gia đình chỉ 1-2 người. Sau gần 60 năm, các hộ đều đã thành 3 thế hệ với nhân khẩu tăng lên gấp 3 thì làm gì chẳng quá tải. Thành ra, chỗ nào cũng cơi nới tùm lum, trong nhà tận dụng từng góc nhỏ để làm gác xép. Khu phụ cũng phải dọn ra ngoài trời để có chỗ nằm... Có hộ dân phải dùng nóc bể phốt làm chỗ ngủ... Khổ lắm!”. 

“Nhiều biệt thự còn khốn khổ vì dễ bị ngập khi mưa lớn. Tòa nhà số 6 Nguyễn Gia Thiều, cứ trời mưa lớn là ngập. Có đợt ngập tới quá đầu gối. Ô tô đi ngoài đường tạo sóng đánh ì oạp trong nhà, hỏng hết đồ đạc... Nhếch nhác, chật hẹp lắm. Bốn phía bịt kín mít, bước vào nhà là mùi ẩm mốc...” - ông Phạm Ngọc Long nói.

Sáng 11-11, đưa cho phóng viên xem tổng hợp chi phí thông tắc cống trị giá gần 10 triệu đồng, ông Phạm Sơn Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo kể: “Biệt thự số 6 Nguyễn Gia Thiều có gần 100 dân đang ở nhưng chỉ có 1 khu vệ sinh. Mỗi lần bị tắc ai cũng lo sốt vó. Không thể trì hoãn, UBND phường đã phải bố trí ngay kinh phí để sửa chữa. Đấy là còn may khi phường vận động được một hộ láng giềng cho đào nền nhà để thông cống chứ không cả 100 con người biết “giải quyết” ở đâu?”

Cần sớm có giải pháp

Đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo An ninh Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng, cần sớm có giải pháp đồng bộ và đột phá mới giải quyết được vấn đề đời sống khó khăn của các hộ dân đang ở nhà biệt thự Pháp. Trước hết, TP cần hoàn thành danh mục các tòa nhà có giá trị về kiến trúc - văn hóa - lịch sử, để đưa vào diện bảo tồn. Tiếp đó, cần lập dự án để di dời dân khỏi các tòa nhà này. “Việc rà soát, phân loại, Sở Xây dựng và UBND quận Hai Bà Trưng đã phối hợp lên danh mục, chấm điểm từng tòa nhà rồi. Sở Xây dựng có trách nhiệm cùng các ngành liên quan trình UBND TP xem xét trước khi trình HĐND TP quyết định...”

Về thông tin đề xuất rút 312 tòa nhà cũ nát ra khỏi danh sách “biệt thự Pháp trên giấy”, ông Lâm Anh Tuấn cho biết, nếu thành phố đồng ý, các tòa nhà này đương nhiên không còn là biệt thự nữa. Khi đó, UBND quận và các ngành liên quan sẽ xem xét bán nhà và cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân theo quy định pháp luật như các dạng nhà ở bình thường khác. “Thủ tục đơn giản thôi, không có khó khăn gì nếu các toà nhà đó không còn là biệt thự” - ông Lâm Anh Tuấn nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Long cũng cho rằng, phải có chính sách di dời dân thì mới có thể bảo tồn, tôn tạo được quỹ nhà biệt thự. “Phải khẩn trương chứ không vài năm nữa, nhiều tòa nhà chỉ còn là đống gạch. Riêng các tòa đã quá cũ nát, không còn giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc, nên cho phép người dân được sửa chữa, cải tạo để cải thiện điều kiện sống...”.