Cần chế tài mạnh xử nạn phá cân trọng tải

ANTĐ - Mặc dù nhiều vụ phá hoại đã được xử lý, thậm chí có đối tượng đã bị cơ quan chức năng truy tố và phạt tù, thế nhưng tình trạng cố tình phá hoại các trạm cân trên các tuyến quốc lộ vẫn không hề giảm. Vì lợi nhuận trước mắt, khá nhiều doanh nghiệp bật đèn xanh cho lái xe đưa ra đủ chiêu trò nhằm triệt hạ thiết bị cân trọng tải.

Hiện trường vụ phá hoại cân trọng tải tại Hà Nam

Đủ trò phá hoại

Sau quyết định siết chặt tình trạng xe quá tải của Bộ GTVT, hàng loạt thiết bị cân trọng tải xe đã được triển khai khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay đã có hơn một nửa trong số đó liên tục phải bảo dưỡng sửa chữa vì hỏng hóc. Ngoài những lý do kỹ thuật hoặc vận hành không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì phải kể đến việc trạm cân bị lái xe cố tình phá hỏng nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Là một trong những địa bàn đầu tiên được lắp thiết bị này, trạm cân xe lưu động tỉnh Hà Nam được triển khai đưa vào sử dụng thiết bị cân nhập khẩu từ Canada do Công ty TNHH một thành viên Hanel lắp ráp. Thế nhưng chỉ sau 2 ngày đưa vào vận hành, trạm cân đã bị đối tượng Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thanh Tùng, trú tại thành phố Phủ Lý cố tình lao thẳng xe ô tô vào đâm hỏng. Cú đâm mạnh đến mức trạm cân hoàn toàn tê liệt nhiều ngày sau đó. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại từ cú “lao xe” của Tùng lên tới khoảng 500 triệu đồng. Công an tỉnh Hà Nam đã bắt giữ kẻ phá hoại ngay sau đó và Tùng đã bị xử với mức án 2 năm tù treo, bồi thường 50 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, mức án trên là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đây được coi như vụ phá hoại đầu tiên nhằm vào trạm cân, mở đầu cho hàng loạt các vụ phá hoại về sau. 

Chỉ sau đó 1 tuần, trạm cân lưu động tỉnh Thừa Thiên – Huế “dính đòn” tương tự. Sáng 3-1-2014, tổ liên ngành kiểm tra tải trọng xe đối với xe đầu kéo BKS 63K- 2227, rơ-moóc BKS 63R- 0071, do lái xe Tùng (SN 1975) trú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang điều khiển. Tuy nhiên, khi điều khiển xe đi vào đường dẫn bàn cân, lái xe đã không chấp hành hiệu lệnh biển báo và hiệu lệnh của cán bộ điều khiển trạm. Đang lái xe bình thường, Tùng đột ngột dừng lại sau đó lại rồ ga cho xe vọt lên. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến toàn bộ đường dẫn vào bàn cân phía bên phải bị phá hỏng. Hệ thống cáp và dây nối mắt hồng ngoại bị đứt hoàn toàn khiến trạm cân tê liệt không thể tiếp tục hoạt động. Ngay sau hành vi cố ý phá hoại này, Tùng đã bị bắt.

Vào ngày 16-4-2014, mặc dù không thuộc nhóm xe phải kiểm tra cân trọng tải, nhưng lái xe Đoàn Ngọc Thanh (SN 1979) trú tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang vẫn điều khiển xe khách BKS 29B-027.69 lao thẳng vào trạm cân Hà Giang khiến trạm cân hư hỏng nặng và bắt buộc phải thay cân mới. Cơ quan chức năng ở Hà Giang đã khởi tố vụ án, bắt giữ lái xe Đoàn Ngọc Thanh để tiếp tục điều tra. Gần đây nhất là ngày 5-6 vừa qua, tại trạm cân Vũng Tàu, một đối tượng đã dùng xe máy lao vào trạm cân khiến trạm bị hỏng không hoạt động được. Đối tượng này đã tẩu thoát sau đó và hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra.

Cần xử mạnh

“Ngoài 63 bộ cân trọng tải trang bị cho 63 tỉnh thành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn dự trữ 4 bộ cân khác để đề phòng tình huống cần phải thay thế. Nhưng chỉ sau vài tháng hoạt động, số cân dự bị này được tung hết ra mặt đường và xem chừng vẫn không đủ bởi tốc độ hỏng hóc quá nhanh” - ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết. Đó là chưa tính đến việc cán bộ của bộ phận bảo hành thuộc Công ty Hanel phải liên tục di chuyển khắp các tỉnh thành để sửa chữa, khắc phục các lỗi hỏng cân do lái xe gây ra. 

“Việc đưa các trạm cân vào hoạt động là để các doanh nghiệp phải thực hiện đúng tải trọng của xe. Do từ trước đến nay, việc xe chở quá tải đã trở nên phổ biến nên khi bị ép chỉ được chở đúng tải trọng, các cá nhân, doanh nghiệp đã phản ứng vì ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Ban đầu họ đối phó bằng cách tránh né các trạm. Thế nhưng, hiện nay tại tất cả 63 tỉnh thành đều đã lắp đặt trạm cân, việc né trạm là không khả thi, chính vì thế các lái xe đã nghĩ ra chiêu trò phá hoại” - ông Đặng Văn Chung nhận định. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ vi phạm cũng không hề đơn giản. Với những vụ phá hoại có căn cứ rõ ràng như lái xe cố tình đâm va thì mới có thể bắt được ngay đối tượng. Còn nhiều hành vi khác như lái xe điều khiển phương tiện theo kiểu giật cục dẫn tới xô, giãn bàn cân rồi đổ cho chưa quen cách vận hành thì cùng lắm chỉ có thể bắt phải bồi thường khi cân hỏng hóc.  

Bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hanel, đơn vị sản xuất cân tải trọng cho biết: “Thống kê chỉ trong vòng  hơn 1 tháng từ 1-4 đến 5-5 đã có 68 lỗi xảy ra với 32 chiếc cân, trên tổng số 63 chiếc được cung cấp cho các tỉnh thành. Trong đó lỗi do lái xe cố tình phá hoại chiếm phần lớn. Điều nguy hiểm nhất hiện nay là các lái xe xe tải đã phổ biến cho nhau cách thức phá hoại trạm cân một cách tinh vi khiến cán bộ trạm cân  khó xử lý. Theo quy định, khi lái xe vào cân, chỉ được đi với tốc độ 5km/h, đi đúng vị trí nhưng lái xe đã lao mạnh vào cân, rồi phanh gấp. Trọng lực quá lớn khi phanh sẽ khiến cân bị dồn lại, gây đứt cáp, báo hỏng. Hoặc lái xe cố tình đi lệch cân cũng sẽ khiến cân bị hỏng. Điều đáng nói là khi cân hỏng, hoặc báo sai trọng lượng, lái xe sẽ xúm lại phản đối, kiện cáo, gây ách tắc giao thông… thế là cả đoàn xe quá tải phía sau sẽ tranh thủ “ù té chạy” qua mặt trạm cân. Cán bộ dù có biết cũng đành chịu vì không thể để ùn ứ gây ách tắc giao thông.