Cần chế tài, cơ chế

ANTĐ - Lần đầu tiên Quốc hội thực hiện một cuộc giám sát tối cao về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012, trước sự chứng kiến của cử tri cả nước. Sau hơn 7 năm đi vào đời sống, Luật này đã trở nên lỗi thời, đó là nhận xét trong báo cáo tổng kết của Chính phủ, vì vậy Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi bộ luật này.

Thảo luận báo cáo giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, một đại biểu Quốc hội bức xúc nhận xét rằng, có lẽ không ai không cảm thấy xót xa khi con số lãng phí, thất thoát luôn là đơn vị tỷ đồng và nhiều tỷ đồng. Thực chất đây cũng chính là tiền thuế của dân, do dân đóng góp.

Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác tham mưu, thực hiện dẫn đến nhiều sai sót, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn thời gian qua và báo cáo Quốc hội tại một kỳ họp gần nhất. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của một tỉnh thẳng thắn chỉ rõ, cần phải chỉ ra được bộ nào làm sai, có thể bộ trưởng đã về hưu nhưng vẫn phải chỉ ra để bộ trưởng khác rút kinh nghiệm, hoặc địa phương nào làm sai thì cũng phải chỉ rõ chủ tịch tỉnh nào làm sai. Nếu cứ nói chung chung thì không giải quyết được vấn đề và tình hình lãng phí ngày càng lớn hơn nhiều. Bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng thừa nhận, ngay trong đợt giám sát này cũng chưa chỉ ra được công trình nào sai phạm, sai phạm ở đâu, tổng mức thất thoát là bao nhiêu. Đây là cái khó mà các đại biểu cần phải tăng cường giám sát các công trình và cách bố trí của địa phương mình.

Theo phân tích của nhiều đại biểu Quốc hội, trong các báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thẩm tra về phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ hàng năm đều đã chỉ ra những tồn tại hạn chế, thậm chí cả sai sót về đảm bảo mục tiêu đầu tư, danh mục công trình, dự án, tiến độ thực hiện, chất lượng, hiệu quả của các dự án, đồng thời còn kiến nghị các biện pháp để khắc phục. Thế nhưng, những năm sau đó, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban này hầu như lặp lại những nhận định về tồn tại, hạn chế, sai sót như trên, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp. Một số đại biểu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trước tình trạng “đội” vốn của các địa phương, trong đó tổng số vốn đầu tư cho các dự án đã được điều chỉnh tăng so với ban đầu là 77%, dự án về giao thông tăng 70%, thủy lợi tăng 110%, y tế tăng 37%... Đương nhiên trước áp lực về đầu tư cơ sở hạ tầng, chống suy giảm kinh tế nên không có sự đánh giá, nhận thức đầy đủ về bất cập, hạn chế trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Song, cũng phải thừa nhận, một thời gian dài Quốc hội không có một cuộc giám sát tối cao, mà chỉ có báo cáo hàng năm của Ủy ban Tài chính ngân sách.

Thực trạng trên đòi hỏi phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi vì trong thực tế, Luật không bao quát được hết mọi lĩnh vực, tính khả thi chưa cao, chưa có trường hợp nào bị xử lý theo luật. Đã đến lúc cần phải có một chế tài mạnh mang tính răn đe và một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả.